April 16, 2022 | 14:34 GMT+7

FPT Retail: Doanh thu mỗi nhà thuốc Long Châu đạt 2 tỷ đồng mới đạt điểm hoà vốn

Mộc Minh -

Đẩy mạnh dược phẩm, FPT Retail sẽ có 800 cửa hàng thuốc Long Châu cuối năm 2022 và điểm hoà vốn mỗi cửa hàng từ 500 triệu đồng – 2 tỷ đồng…

Quý 1/2022, doanh thu của FPT Retail tăng 65%, lợi nhuận trước thuế gấp hơn 5 lần quý 1/2021 đến từ nhu cầu laptop, iphone, thuốc.

NHÀ THUỐC ĐÓNG GÓP 100 TỶ ĐỒNG LỢI NHUẬN 2022

Năm 2021, nhờ thắng lợi của mảng dược phẩm từ chuỗi nhà thuốc Long Châu, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail -  mã FRT) đã đạt 22.495 tỷ đồng doanh thu thuần và 444 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 53% và gấp 17,8 lần năm 2020. Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp 35% doanh thu.

Với kết quả kinh doanh lập đỉnh, phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt được thông qua. Thời gian chi trả muộn nhất trong quý 3/2022.

Năm 2022, FPT Retail lên kế hoạch với 27.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm 2021.

Năm 2022, FPT Retail sẽ mở thêm 300 cửa hàng thuốc Long Châu - Ảnh: VNE.
Năm 2022, FPT Retail sẽ mở thêm 300 cửa hàng thuốc Long Châu - Ảnh: VNE.

Tại ĐHĐCĐ 2022 ngày 15/4, lãnh đạo FPT Retail chia sẻ, doanh thu trên một nhà thuốc Long Châu để đạt điểm hoà vốn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, khác biệt lớn là quy mô cửa hàng và tiền thuê nhà, khoảng từ 500 triệu đồng – 2 tỷ đồng. Hiện có những nhà thuốc đạt doanh thu lên tới 10 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ đóng góp 50-100 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022, tuỳ thuộc mở shop và đầu tư cho dài hạn.

Đối với việc cạnh tranh mảng dược phẩm trên thị trường, chẳng hạn cạnh tranh với chuỗi nhà thuốc An Khang hay Pharmacity, công ty cho rằng thị trường dược phẩm còn rất rộng, hiện có tổng 57.000 nhà thuốc trong khi các chuỗi hiện nay cộng lại chỉ có 3.000 cửa hàng. Nên không quá ảnh hưởng tới tăng trưởng của Long Châu. Thị trường dược phẩm thời gian trước hơi lộn xộn, nên hiện nay càng nhiều các chuỗi hiện đại vào thị trường là yếu tố tốt, giúp khách hàng sử dụng hàng chính hãng.

So sánh giữa Pharmacity và Long Châu thì mỗi chuỗi có mục tiêu, cách đi khác nhau. Pharmacity nghiêng về tiện lợi, Long Châu nghiêng về thuốc. Tuy nhiên, Pharmacity đi trước đã lâu và có lượng cửa hàng lớn. Chuỗi Long Châu chú trọng hiệu quả/cửa hàng, hiệu suất trên cửa hàng đang cao nhất trên thị trường và dược phẩm đang là mảng tăng trưởng thứ 2 của công ty.

FPT Retail chưa có chính sách về nhượng quyền thuơng hiệu chuỗi nhà thuốc Long Châu, vì đây là giai đoạn Long Châu cần quản lý chất lượng, khẳng định uy tín với khách hàng. Nếu nhượng quyền thương hiệu có thể bị đưa hàng từ bên ngoài vào… nên chưa có chính sách này.

Về vấn đề bán thuốc chữa Covid-19 chỉ mang tính thời điểm, ngắn hạn, đường dài là phục vụ người bệnh ở những nhóm bệnh phổ biến (tim mạch, tiểu đường…), nên không đặt việc phân phối thuốc Covid-19 là trọng tâm tăng trưởng.

Theo đại diện FPT Retail, doanh thu trên cửa hàng FPT shop tăng trưởng 20-30% năm 2021. Doanh thu trung bình cửa hàng cũ 2,5 tỷ đồng/shop, Long Châu 1,1 tỷ đồng/shop. Ngay trong quý 1/2022, doanh thu trung bình cửa hàng cũ đã tăng lên 3 tỷ đồng/shop, Long Châu lên mức 1,5 tỷ đồng/shop.

Về bán hàng online, mảng này đang tăng trưởng nhanh chóng khi tăng 21% vào năm 2021, doanh thu online chiếm 28%, khoảng  6.300 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đến từ FPT shop do đầu tư thương mại điện tử đã lâu. Doanh thu online của nhà thuốc Long Châu chỉ 5%, do dược phẩm không được bán online, chỉ những sản phẩm không phải thuốc (thực phẩm chức năng) mới được bán hàng online.

XIAOMI SẼ CHIẾM 10% DOANH THU

Đối với chuỗi cửa hàng FPT shop, FPT Retail là đơn vị đầu tiên làm việc với hãng Apple để đưa mặt hàng điện thoại, laptop… chính hãng về Việt Nam. Nay có 2 thêm nhà phân phối là DGW và Synnex FPT, điều này khiến giá cả tốt hơn, việc giao hàng cũng nhanh hơn, và các dịch vụ liên quan cũng tốt hơn.

Lãnh đạo FPT Retail cho rằng việc nhiều bên làm đại lý sẽ đem lại hiệu quả cho cả thị trường. Và Xiaomi cũng là thương hiệu có rất nhiều sản phẩm đa dạng. Xiaomi có thêm nhà phân phối đã vươn lên thứ 2 thị phần tại Việt Nam trong quý 1/2022. Đây cũng là minh chứng cho cơ hội của việc có thêm nhà phân phối. Kỳ vọng doanh thu Xiaomi sẽ chiếm 7-10% tổng doanh thu của công ty.

Hay như việc có mặt của TopZone cũng không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của F.Studio. Vì về mặt thị trường sẽ có thêm đơn vị tham gia sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Và dài hạn cũng làm thị trường này tăng trưởng. Riêng F.Studio sẽ tiếp tục chiến lược đầu tư hiện nay. Khi không chỉ cơ hội từ những dịch vụ tốt hơn từ nhiều tay chơi, mà hàng xách tay giảm mạnh sau Covid-19 cũng giúp thị trường Apple chính ngạch mở rộng hơn. Nhìn chung, F.Studio vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số và không bị ảnh hưởng nhiều.

Ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraina, hàng ICT không lo thiếu. Vì công ty nhập hàng theo hợp đồng 3 tháng và cũng là khách hàng ưu tiên. Hiện hàng hoá vẫn được cung cấp đầy đủ, chưa đến nối đứt gãy trầm trọng.

Về kế hoạch kinh doanh dài hạn với mảng kinh doanh gối đầu cho tăng trưởng, theo lãnh đạo FPT Retail, nhìn từ dược phẩm, công ty có thể mở rộng sang healthcare (phòng khám, chăm sóc sức khoẻ…) - đây là mảng rất rộng gồm nhiều lĩnh vực.

Về hoạt động tài chính, năm 2021, doanh thu về tài chính khi đóng góp hơn 20%, dòng tiền cho vay và thu về của FPT Retail khá lớn (8.000 -9.000 tỷ đồng). Đây là sự khác biệt khi năm 2021 có lãi về tài chính khi năm 2020 bị lỗ. Nguyên do công ty áp dụng công nghệ để tối ưu vốn lưu động, hàng tồn kho. Khi có dòng tiền nhàn rỗi, công ty sẽ kinh doanh trên dòng tiền nhàn rỗi đó, với cơ sở lãi suất đi vay cạnh tranh. Năm 2022, công ty tự tin vẫn duy trì được và có lãi tài chính, còn mức độ chênh lệch giữa 2022 và 2021 sẽ không bằng 2021 so với 2020.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate