March 16, 2022 | 13:06 GMT+7

Mạng di động “ảo” sắp có tên FPT Retail?

Thủy Diệu -

Trong tài liệu phục vụ cho đại hội cổ đông vừa được Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, MCK: FRT) công bố có đề cập đến việc triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo tại Việt Nam...

Nếu kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo được thực hiện trong năm 2022, cũng có nghĩa FPT Retail sẽ chính thức bước chân vào thị trường viễn thông di động.
Nếu kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo được thực hiện trong năm 2022, cũng có nghĩa FPT Retail sẽ chính thức bước chân vào thị trường viễn thông di động.

FPT Retail cho biết, trong năm 2022, FRT sẽ đưa vào hệ thống những dịch vụ, sản phẩm mới, bao gồm: thử nghiệm các điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính; tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, tốc độ phục vụ khách hàng nhằm giữ vững vị thế là nhà bán lẻ sản phẩm Apple chính hãng hàng đầu Việt Nam.

Đồng thời “nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo”; đẩy mạnh mô hình bán hàng B2B2C cho khách hàng là cán bộ công nhân viên tập đoàn FPT và các công ty đối tác.

Nếu kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo được thực hiện trong năm 2022, cũng có nghĩa FPT Retail sẽ chính thức bước chân vào thị trường viễn thông di động với tư cách là nhà mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator - là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải đi thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (mạng MNO), để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường).

Hiện Việt Nam mới chỉ có hai mạng di động "ảo" gồm mạng di động iTel (đầu số 087, của Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom) và Reddi (055 của Công ty Cổ phần Mobicast). Mạng Reddi sau khoảng 15 tháng ra mắt (tháng 6/2020) và chìm nghỉm trên thị trường đã bất ngờ được bán cho một công ty thành viên của Masan với giá gần 300 tỷ đồng.

Mạng di động “ảo” tại Việt Nam được xem vẫn chưa phát triển và khó phát triển, bởi theo đại diện một số mạng có hạ tầng (MNO), hiện nay lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các mạng “ảo” ra đời chủ yếu phải đi vào các thị trường ngách, tuy nhiên ngay cả thị trường ngách (như cung cấp cho khu công nghiệp, khu đô thị,…) thì các nhà mạng MNO đã phủ khắp và cũng đang cạnh tranh khốc liệt.

 

Cũng trong báo cáo phục vụ đại hội cổ đông, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 là 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 30% so với thực hiện trong năm 2021. Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ nâng tổng số FPT Shop lên thành 717 cửa hàng và Long Châu đạt 700 cửa hàng.

Công ty tiếp tục mở rộng vùng phủ của chuỗi FPT Shop và trung tâm laptop. Dự kiến, FRT sẽ mở thêm hơn 70 trung tâm latop, mở mới từ 70 – 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate