Dù chưa xác nhận cụ thể sẽ đầu tư vào mảng kinh doanh mới nào nhưng các lãnh đạo Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã chia sẻ nhiều thông tin về ngành dược tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FPT Retail, tại Hà Nội, chiều 12/7/2017.
"Đến giữa năm 2018 chúng tôi sẽ chính thức công bố lĩnh vực kinh doanh mới và dự kiến sau năm 2019 đây sẽ là mảng tăng trưởng chủ lực của công ty", bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail, tiết lộ.
Tại buổi giới thiệu, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail cho biết, FPT Retail (đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ FPT Shop) hiện đang là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam trong ngành kỹ thuật số và hàng công nghệ, với khoảng 460 cửa hàng tại 63 tỉnh thành. Trong giai đoạn 2013-2017, FPT Retail có tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu đạt 47%/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận sau thuế đạt 92%/năm trong giai đoạn 2014-2017.
Giai đoạn 2016 - 2020, FPT Retail đặt mục tiêu tăng trưởng 23,9%/năm cho doanh thu và 33,5%/năm cho lợi nhuận sau thuế, đồng thời từ nay đến năm 2020 mỗi năm sẽ tăng thêm 100 điểm bán mới. Năm 2017, doanh thu dự kiến của FPT Retail đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2017 dự kiến tăng 40% lên 291 tỷ đồng.
Hiện, theo tính toán, FPT Retail có EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) 12 tháng gần nhất đạt 6,428 đồng, EPS 2017 dự kiến đạt 7,267 đồng và EPS 2018 dự kiến đạt 9,914 đồng. Hiện giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của FPT Retail tính đến 9 tháng 2017 đạt 34.525 đồng/cổ phần. FPT Retail sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE trước ngày 30/4/2018.
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, kế hoạch mở rộng sang các ngành kinh doanh mới thì FPT Retail vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và tìm hiểu ngành nghề kinh doanh trước khi bước vào chính thức, vì vậy, hiện tại chưa thể khẳng định FPT Retail sẽ chọn ngành nghề nào.
Còn về ngành dược, theo bà Điệp, cá nhân bà đã đứng ra mua chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu, là chuỗi cửa hàng thuốc lớn nhất ở Tp.HCM để trải nghiệm thử và đánh giá tiềm năng của thị trường, đồng thời để xem độ minh bạch của thị trường dược như thế nào, sau đó mới quyết định có cho FPT Retail đầu tư vào mảng kinh doanh này hay không.
Ngành điện thoại di động có quy mô thị trường là 3,5 tỷ USD, ngành điện máy là 5 tỷ USD, và ngành dược cũng có quy mô khoảng 5 tỷ USD, do vậy, FPT Retail cũng rất quan tâm, bà Diệp cho biết.
Một số nhà đầu tư cho VnEconomy biết, sở dĩ nhiều nhà đầu tư quan tâm về mảng kinh doanh mới (cụ thể là mảng kinh doanh dược phẩm như đồn đoán) tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FPT Retail là bởi mảng kinh doanh truyền thống là sản phẩm số của FPT Retail được đánh giá còn biên độ tăng trưởng thấp nên mức độ hấp dẫn của cổ phiếu cũng không cao. Do vậy, các nhà đầu tư cũng mong muốn FPT Retail có những hướng kinh doanh tiềm năng mới.
Đối thủ của FPT Retail là Thế Giới Di Động trước đó cũng cho biết đã lên kế hoạch đầu tư vào mảng kinh doanh dược phẩm. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài, công ty này đang trong quá trình đàm phán để mua lại một chuỗi dược phẩm có quy mô 10-15 cửa hàng tại Tp.HCM. Một số nguồn tin cho biết, đối tượng được Thế Giới Di Động đàm phán mua có thể là chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang.
Theo ông Tài, thị trường phân phối dược phẩm hiện vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần và như vậy có nghĩa là vẫn chưa có người dẫn đầu. Do đó, thay vì phải bỏ 2-3 năm để tìm hiểu về mô hình thì công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm, có quy mô từ 10-15 shop để tiến hành M&A.