Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) quy mô GDP 26.200 tỷ USD đã được ký kết trực tuyến ngày 15/11 sau 8 năm dài đàm phán. Bên cạnh những ý nghĩa to lớn của Hiệp định RCEP, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế đồng nhất định hướng xuất khẩu của các nước trong nội khối có thể dẫn đến xung đột về lợi ích kinh tế, tăng nhập siêu cho Việt Nam về lâu dài.
Để làm rõ những luận điểm này, VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương).
Trong RCEP, Việt Nam là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc (38,8 tỷ USD), ASEAN (7 tỷ USD), Úc (0,9 tỷ USD), Hàn Quốc (27 tỷ USD). Chỉ có Nhật Bản là Việt Nam xuất siêu nhẹ trong năm 2019 khoảng 0,8 tỷ USD. Nhìn vào các thông số trên thì RCEP có phải là màu hồng với Việt Nam không khi chúng ta vẫn ở vị thế nước nhập siêu lớn từ các quốc gia trong RCEP - nơi mà các nền kinh tế đều định hướng xuất khẩu?
Với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã có FTA với các đối tác. Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA.
Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.
Đơn cử như doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. Với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực.
Tương tự, trước đây nếu có tranh chấp thương mại với một đối tác lớn thì các nước ASEAN cũng khó giải quyết hơn. Nay với một cơ chế mang tính đa phương với cả 15 nước tham gia thì các quy tắc thương mại sẽ được tuân thủ triệt để hơn.
Với góc độ như vậy, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn.
Quá trình đàm phán các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định RCEP đều có sự nghiên cứu và góp ý chặt chẽ từ các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.
Cuối cùng, nhập siêu hay không là một yếu tố cần xem xét nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA. Đơn cử như trường hợp chúng ta có FTA song phương và khu vực với Hàn Quốc, nay thêm quan hệ FTA thông qua Hiệp định RCEP. Mặc dù còn nhập siêu lớn nhưng không thể phủ nhận giá trị của các Hiệp định này trong việc giúp gắn kết hai nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều giá trị cụ thể cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Khi chúng ta gia nhập WTO thì nhập siêu cũng rất lớn nhưng từ việc chấp nhận hội nhập để tự vươn lên thì doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không bị giảm đi mà còn tăng lên đáng kể. Nay chúng ta đã hội nhập trong nhiều năm nên hy vọng sẽ rút ra được các kinh nghiệm cần thiết để hội nhập thành công khi tham gia Hiệp định RCEP.
Việt Nam luôn là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Liệu RCEP có thêm Trung Quốc gia nhập, mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có gia tăng?
Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010. Với tỉ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với Trung Quốc theo Hiệp định RCEP không cao hơn so với Hiệp định ACFTA, việc thực thi Hiệp định RCEP về cơ bản sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới và gia tăng cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam.
Ngoài ra, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác Hiệp định ACFTA , do đó có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Như vậy, Hiệp định RCEP về cơ bản có thể coi là việc các nước ASEAN "đa phương hóa" quan hệ thương mại song phương trước đây đã có với Trung Quốc dựa trên các quy định của WTO có được các nước cập nhật cho phù hợp với tình hình mới. Do vậy, không thể nói Hiệp định RCEP là ASEAN phụ thuộc hơn vào bất cứ thị trường nào, có phụ thuộc ở đây thì là phụ thuộc vào các quy định mang tính đa phương, minh bạch và đã được quốc tế công nhận trong nhiều năm qua.
Các nền kinh tế trong RCEP có mối tương đồng và cạnh tranh rất cao. Làm sao để hàng hoá Việt Nam có tính cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong nội khối. Đặc biệt, về phần sân nhà, Bộ Công Thương đã tính đến các chính sách phòng vệ, hàng rào thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa trước những đối thủ rất mạnh từ Hàn, Trung và Nhật chưa?
Khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.
Tuy nhiên trên thực tế, Hiệp định RCEP về cơ bản là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành của ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trong một Hiệp định FTA theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn. Do đó, về cơ bản Hiệp định RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.
Việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.