December 10, 2020 | 09:35 GMT+7

FTA Việt Nam - Anh dự kiến được ký ngày 11/12 tại Hà Nội

Bạch Dương

Lễ ký kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) dự kiến sẽ diễn ra vào chiều ngày 11/12/2020, tại Hà Nội

FTA Việt Nam - Anh sẽ được ký kết ngày 11/12 tại Hà Nội
FTA Việt Nam - Anh sẽ được ký kết ngày 11/12 tại Hà Nội

Bộ Công Thương đánh giá, bối cảnh hiện tại, việc đi đến thỏa thuận và ký kết UKVFTA có ý nghĩa vô cùng to lớn. 

Thứ nhất, đó là một nhu cầu hoạt động cần thiết cho cả hai quốc gia. Brexit có nghĩa là Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam - đã có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua - sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31/12/2020. 

Thứ hai, cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều mong muốn hoàn tất thỏa thuận này càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau Covid-19. Thứ ba, các điều khoản của FTA Việt - Anh năm 2020 phần lớn sẽ giống với FTA Việt Nam - EU, nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỷ đàm phán.

KÝ KẾT TRONG BỐI CẢNH ĐỨT GÃY THƯƠNG MẠI BỞI COVID-19 

Trong thời gian qua, hợp tác về kinh tế giữa Anh và Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật. Về thương mại, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Anh cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Tuy nhiên, sản phẩm "made in Vietnam" được tiêu dùng tại Anh lớn hơn rất nhiều số liệu thống kê vì có một số lượng đáng kể hàng hóa Việt Nam được nhập qua các hải cảng lớn tại Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp và Séc trước khi vào Anh.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh, cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Điều này cho thấy trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.

Thời gian gần đây, dịch Covid 19 đã bộc lộ những nứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự tái cơ cấu để đảm bảo giảm thiểu rủi ro do những điều kiện bất lợi như dịch bệnh mang lại. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Anh đạt 4,7 tỷ USD, giảm khoảng 15%. 

Việt Nam xuất khẩu sang Anh hơn 4,1 tỉ USD giảm 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thị trường Anh giảm mạnh nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ, đồ may mặc, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, đồ dùng du lịch, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Bộ Công Thương dự báo xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục cho đến khi dịch bệnh kết thúc do tâm lý lo lắng của người tiêu dùng và số lượng người thất nghiệp tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Anh giảm đáng kể trong 10 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm có nhu cầu giảm nêu trên thì nhu cầu nông sản thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) lại gia tăng.

Do xu hướng giảm chung của toàn thế giới, trong 10 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam đạt 562 triệu USD, giảm 19,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh những mặt hàng giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm, các mặt hàng nguyên liệu phụ trợ ( thức ăn gia súc và nguyên liệu; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất) cho sản xuất nông sản thực phẩm; thiết bị điện tử; đồ vệ sinh, y tế lại tăng mạnh để phục vụ nhu cầu sản xuất xuất khẩu trong nước đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Về tự do hóa thương mại, Việt Nam và Anh với mối quan hệ kinh tế chính trị văn hóa sâu sắc, bền vững, cũng như những nền tảng đàm phán của EVFTA và hai bên cũng đang trong quá trình đàm phán FTA song phương để tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại giữa hai quốc gia.

Đến hết tháng 8 năm 2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.

HAI NỀN KINH TẾ BỔ SUNG CHO NHAU 

Trong nhiều năm qua, Anh đã trở thành thị trường lớn thứ hai tại châu Âu (sau Đức) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam thể hiện qua mức xuất siêu khoảng gần 5 tỉ USD/năm. 

Cơ cấu hàng hóa Việt Nam và vương quốc Anh có độ bổ sung lớn. Các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Anh gồm nông sản nhiệt đới, thủy sản, giầy dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thuỷ tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su của Việt Nam và máy móc, mô tô, dược phẩm, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ và bột giấy, sản phẩm sắt thép, hóa chất. 

Dư địa tăng trưởng thị trường tại thị trường Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD trong năm 2019 của Anh. Cả Việt Nam và Anh đều đang mong đợi, khi EVFTA chấm dứt hiệu lực với Anh quốc (do Anh rời EU), Hiệp định FTA giữa hai nước sẽ sớm có hiệu lực để tránh đứt quãng giao thương.

Bộ Công Thương đánh giá, thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, là cửa ngõ để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường ASEAN rộng lớn với trên 630 triệu dân, GDP của khu vực 2560 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong thời gian quy duy trì phát triển ổn định, GDP tăng trưởng 6-8%/năm, tăng trưởng xuất nhập khẩu 12%/năm, môi trường đầu tư tương đối tốt, đứng thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư. 

"Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tiến bộ, xếp thứ 77/140 quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Vương quốc Anh là một cường quốc, có vị vai trò và vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống từ nhiều năm qua. Phát triển và tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt với Vương quốc Anh là định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại Việt Nam", Bộ Công Thương cho hay. 

Trên cơ sở phân tích sâu hai nền kinh tế, Bộ Công Thương cho rằng, các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong thời gian tới là năng lượng tái tạo, sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh quan hệ kinh tế – thương mại – công nghiệp đang ngày càng khởi sắc, với ưu thế của Anh trong lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường, logistics, tài chính và kinh tế số, hai bên rất có điều kiện để tăng cường hợp tác trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Về phát triển bền vững, hai bên cùng hợp tác trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, giảm thiểu xả thải carbon, sản xuất sạch hơn, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện tại, trong khuôn khổ các Quỹ tài chính xanh của Anh và Việt Nam đã xây dựng các dự án sản xuất thực hiện chuyển đổi năng lượng có hàm lượng phát thải cacbon thấp. Hợp tác thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ và thiết bị, đầu tư phát triển dự án nhằm thực hiện chuyển giao công nghệ và giảm giá thành phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam được hai bên đề xuất nghiên cứu triển khai.


Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate