May 07, 2024 | 17:49 GMT+7

Gần 3.200 lao động ở lại Hàn Quốc trái phép sẽ bị xử lí tiền ký quỹ

Nhật Dương -

Người lao động tự ý ở lại Hàn Quốc sau khi hoàn thành hợp đồng, thì tiền ký quỹ và tiền lãi sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh, nơi người lao động cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) ngày 7/5 đã thông báo danh sách 3.190 lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết triển khai công tác xử lý ký quỹ đối với những trường hợp có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, đơn vị này đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh,thành phố tiến hành xác minh thông tinh chấp hành hợp đồng đối với 3.190 người lao động.

Căn cứ thông tin do cơ quan chức năng Hàn Quốc cung cấp, kết quả xác minh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh,thành phố, và kết quả tiếp nhận đăng ký thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng của người lao động, Trung tâm quyết định thông báo danh sách những lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động có ý kiến phản hồi hoặc kiến nghị khác về kết quả xác minh nêu trên có thể liên hệ với Trung tâm, hoặc hộp thư điện tử xacminhthongtin.eps@gmail.com để được hỗ trợ.

Sau thời gian 10 ngày, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng và thông báo với Ngân hàng Chính sách xã hội, để xử lý khoản tiền người lao động đã ký quỹ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo quy định.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện ký quỹ đối với người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, là một trong những chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp.

Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài được vay tối đa 100 triệu đồng để ký quỹ (không cần đảm bảo tiền vay).

Nếu người lao động bỏ hợp đồng, hoặc không về nước sau khi hoàn thành hợp đồng, thì tiền ký quỹ và tiền lãi được chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh, nơi người lao động cư trú trước khi đi, để hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương.

Để thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng, xử lý tiền ký quỹ đối với những trường hợp người lao động có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị người lao động, hoặc đại diện gia đình người lao động có tên trong danh sách chủ động liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, để cung cấp thông tin về quá trình chấp hành hợp đồng tại Hàn Quốc.

Từ đó, đảm bảo việc xử lý tiền ký quỹ của người lao động khách quan, chính xác, đúng quy định. 

Trong trường hợp người lao động có ý kiến phản hồi khác với thông tin mà Trung tâm thông báo, cần nộp các giấy tờ liên quan bao gồm: Bản sao chứng thực hộ chiếu, giấy xác nhận kế hoạch về nước; hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng lao động; bản sao chứng minh thư người nước ngoài tại Hàn Quốc thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để Trung tâm phối hợp với phía Hàn Quốc thẩm tra.

Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Trong năm 2023, Việt Nam đã đưa được 11.626 lao động sang thị trường này.

Với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút nhiều lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate