August 15, 2022 | 11:02 GMT+7

Gặp khó về tài chính, các doanh nghiệp đề xuất giảm phí và nâng room tín dụng

Ngân Hà -

Sau giai đoạn kiên trì chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động suốt thời gian qua, các doanh nghiệp cần tiếp tục có sự trợ lực về tài chính đế có thể duy trì hoạt động và phục hồi…

Các doanh nghiệp đang đứng trước tình cảnh thiếu hụt nguồn vốn xoay sở, đối mặt với nguy cơ phá sản.
Các doanh nghiệp đang đứng trước tình cảnh thiếu hụt nguồn vốn xoay sở, đối mặt với nguy cơ phá sản.

Báo cáo tổng hợp phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội về khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 gửi tới Thủ tướng Chính phủ của Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy hầu hết doanh nghiệp hiện nay vẫn đứng trước khó khăn về tài chính.

THIẾU HỤT NGUỒN TIỀN, DOANH NGHIỆP CÓ NGUY CƠ PHÁ SẢN

Thứ nhất, do hậu quả của hơn 2 năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoán khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ơ mức độ tối thiểu; nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động.

Thứ hai, chi phí đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp những tháng gần đây tăng cao do tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm và tăng mạnh thời gian gần đây do Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất, làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm tăng áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn 2 năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng.

Thứ ba, số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm cũng khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp trở nên ảm đạm. Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng cùa kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường.

Ngoài ra, việc VND mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như JPY hay EUR cũng khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

Thứ tư, là khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng này vì một số yếu tố được các hiệp hội phản ánh như do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay; dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn; và ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.

Trước thực tế 95% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, Ban IV nhấn mạnh rằng nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do.

Đó là không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó, doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực; và không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid vừa qua.

Với quan điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước, Ban IV cho rằng việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý đề nới room tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên.

“Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát”, báo cáo khuyến nghị.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP

Từ các thực trạng khó khăn nêu trên, Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan cân nhắc một số giải pháp quan trọng.

Một là tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng và giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.

Hai là đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỳ đồng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.

“Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản; bên cạnh mục tiêu kiếm soát kỳ lường dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán”, Ban IV đề xuất.

 

16 tổ chức hiệp hội tham gia trao đổi với Ban IV gồm:

- 6 đại diện doanh nghiệp nhóm sản xuất (Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam),

- 5 đại diện doanh nghiệp nhóm dịch vụ (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh hàng quá canh Việt Nam-ASEAN, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, Hội đồng Tư vấn Du lịch),

- và 5 đại diện nhóm doanh nghiệp địa phương (Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, các Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp, Đồn Nai, TP. Đà Nẵng và TP.HCM).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate