Theo thống kê tại Anh quốc, vào năm 2023, trung bình Gen Z rời trường đại học với khoản nợ 33.000 bảng (gần 1 tỷ đồng) trước khi họ bước vào thị trường lao động. Với sinh viên mới ra trường, con số nợ này bằng tổng lương nhiều năm làm việc. Theo Priscilla Low, Giám đốc Tài chính của thẻ tín dụng Yonder, điều này đã dẫn đến "một thế hệ đã quá quen với việc mắc nợ đến mức họ cảm thấy như đây là trạng thái tự nhiên mà họ nên có".
NỢ NẦN LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG?!
Theo tờ Glamour, dù những người trẻ tuổi ở Anh đã được nói đi nói lại rằng sử dụng thẻ tín dụng là một điều nguy hiểm, họ nhàm chán đến mức mặc kệ vì cảm thấy mọi người xung quanh ai cũng dùng. “Thế hệ của Instagram và TikTok rất vui khi tham gia vào các chương trình mua ngay trả tiền sau mà không cần suy nghĩ nhiều. Họ đã trở nên cực kỳ thoải mái khi thanh toán các khoản thanh toán riêng lẻ bằng đủ các loại thẻ khác nhau thay vì mua sản phẩm trên một thẻ tín dụng, thanh toán hết thẻ đó vào cuối tháng", bà Low nói. Dần dần, ai cũng có một khoản nợ.
Ở Mỹ, bức tranh cũng tương tự. Một cuộc khảo sát gần đây của GOBankingRates cho thấy 33% người Mỹ từ 18 đến 24 tuổi mắc nợ thẻ tín dụng. May mắn thay, phần lớn dường như có số dư thấp, với 55% người Mỹ trong độ tuổi này mang khoản nợ không thế chấp dưới 5.000 USD. Tuy nhiên, hơn một phần tư (27%) có khoản nợ không thế chấp từ 5.000 đến 20.000 USD. Trong khi đó, Gen Z có thể có thu nhập thấp hơn những người có nhiều thời gian hơn trong lực lượng lao động, vì vậy họ có thể mất nhiều thời gian hơn để trả hết nợ thẻ tín dụng hiện có.
Công ty theo dõi dữ liệu thị trường Bain & Company cho biết người tiêu dùng thuộc thế hệ Z đang bắt đầu mua hàng hiệu ở tuổi 15, sớm hơn từ 3 đến 5 năm so với thế hệ Millennials. “Đến năm 2030, thế hệ trẻ (bao gồm Gen Y, Z và Alpha) sẽ trở thành những người mua hàng xa xỉ lớn nhất cho đến nay, chiếm 80% lượng mua hàng xa xỉ trên toàn cầu”, theo Bain & Company.
Các nhà phân tích và giám đốc điều hành hàng xa xỉ cho biết sức hấp dẫn của các thương hiệu cao cấp gắn liền với mức độ giàu có của người tiêu dùng Mỹ và sự phổ biến của mạng xã hội. “Trong những năm tiếp theo, những người trẻ mua hàng xa xỉ lần đầu tiên trong đời có thể ở độ tuổi từ 15 đến 17”, ông Jan Rogers Kniffen, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn bán lẻ J Rogers Kniffen WWE, cho biết.
Tương tự, theo Nhân Dân Nhật báo, tiêu dùng đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhưng giới trẻ tại nước này đang gặp “rắc rối lớn” vì thói quen chi tiêu quá mức. Tình trạng này khiến áp lực ngày càng tăng do người trẻ phải chật vật trả các khoản vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng và cả những dịch vụ cho vay nhỏ lẻ.
Khảo sát của dịch vụ cho vay Rong 360 cho thấy 53% sinh viên đại học vay tiền để mua sắm các vật dụng đắt tiền như điện thoại iPhone, túi xách và mỹ phẩm. Nhiều sinh viên xem đây là “những vật dụng cơ bản cần có để hòa nhập với bạn bè”. Theo khảo sát, khoảng 26,6% người trẻ vay tiền nằm trong nhóm từ 26 - 30 tuổi.
Tại Hàn quốc và một số quốc gia Châu Á khác cũng vậy, ngày càng nhiều người trẻ tạm gác lại chuyện dự phòng cho tương lai để tìm cách chiều chuộng bản thân ở hiện tại. Tình trạng tiêu dùng quá mức ở giới trẻ cũng xảy ra tại Úc, khi các chuyên gia cảnh báo về xu hướng “mua trước, trả sau” đang khiến các khoản nợ gia tăng. Theo trang Lithgow Mercury, giới trẻ đang than phiền về các món nợ khủng sau mùa mua sắm trước Giáng sinh năm ngoái. Theo Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc, cứ 6 người tiêu dùng trẻ ở nước này thì sẽ có 1 người đang mắc nợ khó trả.
ĐỘNG LỰC ĐỂ MUA SẮM “KHÔNG PHANH”
Theo phân tích của tờ Business Insider, tất cả những điều này xuất hiện nhờ ba động lực chính: thu nhập gia tăng, mạng xã hội và tín dụng tiêu dùng. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại dễ dàng sử dụng tài chính tín dụng để mua sắm như ngày nay, kể cả với các mặt hàng xa xỉ. Công nghệ kỹ thuật số đã giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn với những khoản cho vay tín dụng, đáp ứng các nhu cầu và mong muốn tiêu dùng tức thời.
Việc mua một chiếc túi hàng hiệu hoặc một chiếc đồng hồ sang trọng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, thậm chí, nhiều người trong số đó còn là những người mua hàng xa xỉ lần đầu.
Bên cạnh thẻ tín dụng, một hình thức thanh toán khác cũng đã bắt nguồn từ phương Tây và dần được ưa chuộng ở các quốc gia châu Á - mua ngay trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL). Đối với các thương hiệu xa xỉ muốn đánh vào giới trẻ, BNPL là giải pháp hoàn hảo. Họ có thể đáp ứng khao khát chi tiêu của người tiêu dùng trẻ tuổi, bằng cách kéo gần khoảng cách giữa mong muốn và khả năng chi trả. Marie Driscoll, Giám đốc điều hành về thời trang và xa xỉ tại Coresight Research, New York chia sẻ: “Việc chia một lần mua hàng giá cao thành nhiều lần thanh toán cho phép người tiêu dùng mua các sản phẩm họ muốn mà không gây áp lực lên các nhà bán lẻ”.
Đương nhiên, mạng xã hội trở thành cách tiếp cận mới để các sản phẩm xa xỉ có thêm cơ hội với người dùng trẻ tuổi. Sự ảnh hưởng từ phong cách thời trang của các ngôi sao từ mạng xã hội mang đến cho các khán giả trẻ một hình mẫu về lối sống xa xỉ. Trên nhiều kênh YouTube, Tik Tok,… các influencer, tiktoker đăng tải những nội dung như “luxury bag haul” (mua cùng lúc rất nhiều túi hàng hiệu rồi đánh giá chúng) và “unboxing hàng hiệu” (mở hộp các sản phẩm đã mua) đã thu hút hàng triệu view.
Hiệu ứng marketing thông qua sự xuất hiện của sản phẩm trên người nổi tiếng đã tạo nên xu hướng thời trang. Các bạn trẻ mua các mặt hàng này để bản thân không bị “cũ” khi có xu hướng mới. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng dùng mạng xã hội như một “sân khấu thảm đỏ” để thể hiện và khẳng định bản thân cho bạn bè xung quanh.
Ngày nay, nhiều tiện ích mới của các mạng xã hội được thiết kế để người dùng dễ dàng liên tục đăng ảnh “khoe” cuộc sống cá nhân với người khác. Càng lâu dần, người dùng có xu hướng đăng những thứ họ nghĩ bạn bè thích và sẽ điều chỉnh bản thân theo những gì người xem mong muốn và khát khao.
Theo McKinsey, Gen Z sẵn sàng chi tiền cho những thứ xa xỉ nhằm sở hữu những món đồ độc đáo giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ sự độc bản của bản thân. Sasha Skoda, Giám đốc chuyên mục Phụ nữ tại The RealReal cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng giữa những người mua và người gửi hàng cao cấp thuộc Gen Z nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt khi những người mua sắm này săn lùng những món đồ độc đáo hơn để thể hiện phong cách cá nhân của họ”.