Đằng sau những làn sóng mua đồ cũ, bán lại trang phục là những động lực, thói quen thúc đẩy thị trường bán lại trong ngành thời trang. Bên cạnh tiết kiệm chi phí, thế hệ Z cũng đang tìm kiếm những bộ quần áo mà họ không thể tìm thấy trong các bộ sưu tập hiện tại. Dữ liệu của WGSN Barometer thu thập từ người tiêu dùng trong độ tuổi từ 16 đến 74 tại Vương quốc Anh và Hoa Kỳ trong hai năm 2022 - 2023 trên 5 doanh nghiệp bán lại cho thấy 40% thế hệ Z mua quần áo đã qua sử dụng vì họ không thể tìm thấy kiểu dáng đó nữa ở các nhà bán lẻ truyền thống.
Cũng theo khảo sát trên, 28% thế hệ Z ở Hoa Kỳ từ 18 - 25 tuổi muốn tiết kiệm tiền và 32% chi 50% thu nhập hàng tháng của họ cho tiền thuê nhà. Do đó, thương mại điện tử đang nổi lên như một lựa chọn hợp lý hơn cho nhóm người tiêu dùng này và cũng bền vững hơn, phù hợp với các giá trị cốt lõi của nhóm. Nhiều người tiêu dùng thế hệ Z đã áp dụng tư duy "mua để bán", trao đổi hàng hóa và kiếm thu nhập. Từ nguồn thông tin của ThredUp và WGSN Barometer, thế hệ Z đang bán quần áo cũ của họ vì tính bền vững (33%) và để kiếm thêm tiền (56%).
Xu hướng tiêu dùng này của Gen Z không chỉ tạo ra những làn sóng mua bán phong phú mà còn xây dựng một lối tư duy tích cực với cả thị trường và môi trường. Tuy nhiên, tủ đồ của Gen Z không phải lúc nào cũng bền vững. Là thế hệ cập nhật các xu hướng, 89% những người được khảo sát cho biết họ từng mua hơn một sản phẩm thời trang nhanh trong 12 tháng qua. Và sự xuất hiện của sản phẩm thời trang nhanh trên thị trường bán lại hiện vẫn gây tranh cãi.
Mới đây một nghiên cứu đã phát hiện có tới 61,8 triệu mặt hàng Zara trên nền tảng đồ cũ Vinted trong quý vừa qua. Stuart Trevor, sáng lập nhà bán lẻ thời trang AllSaints và thương hiệu Stuart Trevor, đã theo dõi số lượng mặt hàng Zara được niêm yết trên Vinted trong 77 ngày. Chia sẻ trên LinkedIn, Trevor thể hiện sự kinh ngạc với mức tăng từ 52,4 triệu vào cuối tháng 3 lên 61 triệu vào giữa tháng 6, đồng nghĩa với trung bình 100.000 mặt hàng mới được thêm vào mỗi ngày.
Bên cạnh Zara, Vinted còn có khoảng 59,7 triệu mặt hàng H&M, 21,8 triệu mặt hàng Shein, 21 triệu mặt hàng Primark và 10,2 triệu mặt hàng Mango. Có thể thấy các thương hiệu thời trang nhanh không chỉ thống trị thị trường mà còn thể hiện năng lực sản xuất áp đảo. Với thời hạn sử dụng ngắn, các mặt hàng thời trang ăn liền tiếp tục đặt ra vấn đề to lớn về tính bền vững. Sự phổ biến ngày càng tăng của các mặt hàng thời trang nhanh trên các nền tảng bán lại đã tố cáo những thiệt hại mà việc sản xuất và tiêu dùng hàng loạt đang gây ra cho cả ngành công nghiệp thời trang và môi trường.
Mô hình thời trang tuần hoàn yêu cầu các mặt hàng chất lượng phải tồn tại lâu hơn một mùa, chứ không phải các thương hiệu thời trang nhanh sản xuất hàng trăm triệu sản phẩm mỗi năm, trong đó chủ yếu được làm từ polyester. Câu hỏi đặt ra về hiệu quả của Vinted và các nền tảng bán lại khác hiện nay là việc giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra. Nếu việc bán lại dễ dàng như vậy, các nền tảng có vô tình khuyến khích người tiêu dùng mua hàng vô tội vạ ngay từ đầu?
Rác thải dệt may là vấn đề cấp bách toàn cầu, với chỉ 12% được tái chế trên toàn thế giới, theo Quỹ phi lợi nhuận Ellen MacArthur về tính bền vững của thời trang. Không nơi nào vấn đề này cấp bách hơn ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới, nơi có hơn 26 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ mỗi năm, theo số liệu thống kê của chính quyền. Các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Shein và Temu đã biến quốc gia này trở thành một trong những nhà sản xuất thời trang giá rẻ lớn nhất thế giới, bán tại hơn 150 quốc gia.
Theo chính quyền Trung Quốc, chỉ có khoảng 20% hàng dệt may của Trung Quốc được tái chế, và hầu hết trong số đó là cotton. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc không muốn mua đồ đã qua sử dụng, giám đốc bán hàng của nhà máy Ôn Châu, Kowen Tang, cho rằng nguyên nhân là do thu nhập hộ gia đình ngày càng tăng. "Họ muốn mua quần áo mới, đồ mới", ông nói về sự kỳ thị liên quan đến việc mua đồ cũ.
Tuy nhiên, trong giới trẻ Trung Quốc, nhận thức ngày càng tăng về tính bền vững đã góp phần vào sự xuất hiện của các doanh nghiệp quần áo "tái chế" mới nổi. Nhà thiết kế 30 tuổi Da Bao đã thành lập Times Remake vào năm 2019, một thương hiệu có trụ sở tại Thượng Hải chuyên lấy quần áo cũ và may lại thành trang phục mới. Tại phòng làm việc của công ty ở Thượng Hải, thợ may làm việc với quần denim và áo nỉ cũ, khâu chúng thành những kiểu trang phục cá tính được nhiều ngôi sao ưa thích.
Một nhãn hiệu thời trang khác tên Reclothing Bank cũng chuyên bán quần áo, túi xách và các phụ kiện khác làm từ các vật liệu như chai nhựa, lưới đánh cá và bao bột mì. Zhang Na, người sở hữu thương hiệu Reclothing Bank, cho biết cô thành lập công ty vào năm 2020 để "mang lại sức sống mới cho những thứ cũ". Tuy nhiên, cô thừa nhận rằng quần áo tái chế được bán tại các cửa hàng như Reclothing Bank cũng có giá cao hơn nhiều so với các thương hiệu thời trang nhanh hay các nền tảng bán lại, do phương pháp sản xuất tốn kém.
Có thể nói, tại châu Á, thị trường bán lại thời trang vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng rõ ràng có tiềm năng phát triển hơn nữa, với các động lực đôi khi khác với thị trường phương Tây. Người tiêu dùng châu Âu chủ yếu bị thúc đẩy bởi các mối quan tâm về môi trường và khả năng chi trả, trong khi Gen Z châu Á có nhu cầu ngày càng tăng đối với những sản phẩm giảm giá phiên bản giới hạn hoặc những món đồ được mặc bởi các ngôi sao yêu thích của họ.
Tin mừng là, theo báo cáo thường niên do nền tảng bán lẻ Thredup kết hợp cùng GlobalData công bố mới đây, nhờ sự phổ biến của các nền tảng bán lại trực tuyến, 25% người tiêu dùng toàn cầu đã bán lại ít nhất một mặt hàng thời trang đã qua sử dụng. Do đó, trong một kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm tuần hoàn, gã khổng lồ thị trường bán lại eBay mới đây tuyên bố sẽ loại bỏ khoản phí đối với những người bán quần áo cá nhân đã qua sử dụng. Động thái này diễn ra sau một kế hoạch tương tự vào tháng trước bởi nền tảng bán lại Depop, khi loại bỏ hoàn toàn hoặc phần lớn phí người bán cho một số thị trường.