May 06, 2025 | 10:31 GMT+7

Gen Z và thuế quan trao cơ hội “ngược dòng” cho thị trường đồ cũ

Băng Sơn -

Không giống như những trào lưu thời trang được tạo ra bởi các nhà mốt lớn, trashcore phát triển từ dưới lên, nghĩa là từ cộng đồng mạng, từ giới trẻ bình thường. Chính điều này khiến nó có sức lan tỏa mạnh mẽ…

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Gen Z không ngại mặc một chiếc áo rách, phối với váy bồng kiểu công chúa và đi đôi giày thể thao cũ kỹ – miễn là nó nói lên cá tính thật của họ. Với tâm lý chán ngán sự hoàn hảo giả tạo, trong thời đại của các filter làm đẹp, ảnh chỉnh sửa kỹ lưỡng, trashcore nổi lên như một lời tuyên bố: “Tôi không cần phải hoàn hảo, tôi chỉ cần là chính tôi”.

Trashcore là sự kết hợp giữa từ "trash" (rác) và hậu tố "core" – thường dùng để chỉ một phong cách hay trào lưu văn hóa. Dù cái tên nghe có vẻ tiêu cực, trashcore không hề mang nghĩa xuề xòa hay thiếu thẩm mỹ, mà là một cách thể hiện thời trang phóng túng, chối bỏ quy tắc, tận dụng những gì bị coi là cũ để tạo nên diện mạo độc nhất.

Trashcore không có công thức cố định, nhưng có thể nhận diện qua một số điểm đặc trưng. Đó là sự pha trộn giữa màu sáng chói và màu trầm, thậm chí là tông đất hoặc xám tro. Phong cách này thường bao gồm các yếu tố như layering (xếp lớp) phi logic. Giới trẻ mặc nhiều lớp áo không theo quy tắc, mix nhiều phong cách như punk, grunge, y2k, goth... trong cùng một outfit.

Gen Z và thuế quan trao cơ hội “ngược dòng” cho thị trường đồ cũ - Ảnh 1
Gen Z và thuế quan trao cơ hội “ngược dòng” cho thị trường đồ cũ - Ảnh 2
 
Gen Z và thuế quan trao cơ hội “ngược dòng” cho thị trường đồ cũ - Ảnh 3
Gen Z và thuế quan trao cơ hội “ngược dòng” cho thị trường đồ cũ - Ảnh 4
 

Vượt xa một xu hướng thời trang, bên trong bản phối trashcore hiện thân cho tinh thần luôn muốn bứt phá, thái độ mỉa mai và tinh nghịch trước một thời đại của thuật toán. Sự trở lại phong cách này xuất hiện như một phản ứng đối với nhiều năm xa xỉ thầm lặng và bối cảnh thời trang bão hòa với màu be, chủ nghĩa tối giản và màu trung tính, chống lại một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp sáng tạo: chủ nghĩa bảo thủ thẩm mỹ ngày càng gia tăng.

Justin Bieber là một trong những người nổi tiếng tiên phong đưa trashcore vào thời trang đường phố. Anh thường xuất hiện với những bộ đồ quá khổ, áo hoodie cũ kỹ, quần jeans rách và phụ kiện lạ mắt như kính râm to bản hay mũ len trùm đầu.

Timothée Chalamet cũng là cái tên nổi bật. Nam diễn viên nổi tiếng với gu thời trang độc đáo và không ngại thử nghiệm. Tủ quần áo ngập tràn những bộ vest may đo tinh xảo của Timothée đã được chuyển sang các bản phối tinh nghịch hơn, không theo quy tắc chính thống: những chiếc khăn choàng màu mè, nón lưỡi trai hay chiếc quần jeans bụi bặm...

Các người đẹp cũng không bỏ qua xu thế này, Kristen Stewart thường lựa chọn những bộ đồ đơn giản nhưng có điểm nhấn độc đáo, như áo thun cũ, quần jeans rách và giày thể thao worn-out, thể hiện sự thoải mái và tự nhiên.

Đối với Addison Rae, tại bữa tiệc ra mắt đĩa đơn thứ hai, cô đã diện áo ngực vỏ sò, quần tất lưới màu xanh nhạt, khăn choàng lông giả và kính râm trắng quá khổ của Jacques Marie Mage. Một phong cách cố tình siêu thực đến nỗi người bạn và ngôi sao nhạc pop Troye Sivan đã chọn hình ảnh cô vào lễ Halloween.

Từ các diễn viên ngôi sao cho đến các fashionista đều đang mang trashcore phủ sóng khắp mọi nơi.
Từ các diễn viên ngôi sao cho đến các fashionista đều đang mang trashcore phủ sóng khắp mọi nơi.
Gen Z và thuế quan trao cơ hội “ngược dòng” cho thị trường đồ cũ - Ảnh 5

Trong một thế giới ngập tràn hình ảnh được chỉnh sửa và hỗn loạn về mức giá, trashcore là tuyên ngôn cho sự chân thật, độc lập và khác biệt. Một số nhà mốt xa xỉ gần đây cũng đã đưa tinh thần trashcore vào các bộ sưu tập runway. Ngoài việc không đứng ngoài “dòng chảy”, các thương hiệu thời trang hiểu rằng khi “miễn thuế” không còn là ưu thế, hàng thời trang giá rẻ sẽ không còn rẻ. Và đây chính là thời điểm mà các mô hình thời trang thay thế như secondhand (đồ đã qua sử dụng) có cơ hội tỏa sáng.

Tại Mỹ, một khảo sát do ThredUp và GlobalData thực hiện cho thấy gần 60% người được hỏi sẵn sàng chuyển sang đồ cũ nếu giá quần áo mới tăng cao vì thuế. Đặc biệt, 40% trong số đó là giới trẻ thuộc thế hệ Millennial và Gen Z – nhóm vốn tiêu dùng mạnh cho thời trang, nhưng cũng là thế hệ có nhận thức cao về môi trường và đạo đức tiêu dùng.

Trên Etsy – nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp siêu nhỏ và người bán làm hàng thủ công, hiện nay hàng vintage chiếm hơn 90% sản phẩm được cung ứng từ thị trường nội địa Mỹ. Trong khi đó, eBay vốn nổi tiếng là chợ đồ cũ toàn cầu, nơi hàng hóa tân trang và sản phẩm secondhand chiếm tới 40% tổng lượng giao dịch.

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu và e ngại rủi ro từ các mặt hàng nhập khẩu bị đánh thuế cao, hàng hóa cũ, tân trang và sản phẩm sản xuất thủ công trong nước đang lấy lại giá trị. eBay ghi nhận tổng giá trị hàng hóa bán ra (GMV) đạt 18,8 tỷ USD trong quý 1/2025 – mức tăng đáng kể giữa bối cảnh toàn ngành thương mại điện tử toàn cầu gặp khó.

Nền tảng này đang được hưởng lợi từ nhóm khách hàng ngày càng “ý thức giá” – họ chọn mua hàng cũ thay vì hàng mới, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh rủi ro thuế quan hoặc chậm trễ từ hải quan. Tại Etsy, dù tổng doanh số giảm nhẹ, nhưng nền tảng Depop – một thương hiệu con tập trung vào thời trang cũ – ghi nhận mức tăng trưởng GMV kỷ lục.

Đây là minh chứng rõ nét rằng giá trị bền vững và những trào lưu thời trang cá nhân hóa đang dần lấn lướt xu hướng tiêu dùng hàng đại trà, sản xuất hàng loạt. Không phải ngẫu nhiên mà các chiến lược gia của eBay và Etsy đều lặp lại một thông điệp trong báo cáo quý: “Chúng tôi ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan”.

60% người được hỏi sẵn sàng chuyển sang đồ cũ nếu giá quần áo tăng cao vì thuế.
60% người được hỏi sẵn sàng chuyển sang đồ cũ nếu giá quần áo tăng cao vì thuế.

Sự tự tin này, cộng với xu hướng chuyển dịch tiêu dùng sang giá trị bền vững và trào lưu trang phục trashcore của Gen Z đã mở ra một tương lai mới cho các nền tảng như eBay và Etsy – nơi mà thương mại điện tử không còn chỉ là cuộc đua giá rẻ, mà là cuộc đua về mô hình và giá trị chân thật, không tô vẽ màu mè.

Không chỉ thương mại điện tử mà các Thrift Shops (cửa hàng quần áo cũ) nhân cơ hội này cũng được lên kế hoạch phát triển bài bản và quảng bá chi tiết không kém cạnh các thương hiệu thời trang thiết kế. Thậm chí trên thế giới hiện có cả những tập đoàn và công ty lớn chuyên quản lý hệ thống, chuỗi phân phối cho các cửa hàng này.

Hầu hết các Thrift Shop hiện hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Trên mạng xã hội dần xuất hiện các content, hashtag về Thrift Shop, trào lưu đi “Thrifting” ngập tràn trên Tiktok, Instagram…

Có thể thấy, mặt trái của vẻ hoàn mỹ trong thời trang luôn ở đó, nó chờ đợi thời khắc để toả sáng, hoặc ít nhất là lấy lại sự công bằng. Trong thời đại số, kỷ nguyên đề cao sự thể hiện và bộc lộ bản sắc khác biệt, vẻ ngoài lộn xộn trở thành nét thẩm mỹ len lỏi vào tủ quần áo xa xỉ. Sự hồi sinh nét thẩm mỹ đặc biệt này không còn là kết quả của sự bất cẩn hay tự phát, mà có chiến lược và ẩn chứa động thái phản ứng với “bão giá” cũng như các cuộc chiến thương mại. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate