April 29, 2025 | 08:25 GMT+7

Ngành thời trang "ngồi trên đống lửa" vì thuế quan

Hoàng Anh -

Mối đe dọa từ các mức thuế mới đang khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành thời trang lao đao khi tìm cách ứng phó với áp lực kinh tế ngày càng lớn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những tuần gần đây, những cuộc đối thoại về thuế quan trở nên sôi động hơn, khi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng loạt thuế quan trên phạm vi toàn cầu. Một mức thuế phổ quát 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực, cùng với các mức thuế cao hơn áp dụng cho các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.

Trước sức ép gia tăng từ các đối tác thương mại và các ngành công nghiệp trong nước, chính quyền Mỹ đã công bố tạm hoãn việc tăng thuế thêm 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và đánh giá lại chính sách, nhiều chuyên gia nhận định rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Diễn biến này đã đẩy nhiều doanh nghiệp, cả trong nước lẫn quốc tế, vào thế khó khi hoạt động kinh doanh của họ gắn liền với thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường toàn cầu. Với nguy cơ thiệt hại kinh tế toàn cầu đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều ngành công nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp thời trang trên khắp thế giới đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu tác động trong bối cảnh bất ổn.

CÁC DOANH NGHIỆP PHẢN ỨNG

Theo Lennard Plotnicki, Giám đốc bán lẻ và thương mại tại thương hiệu thời trang Đức Merz b. Schwanen, sự bất định hiện tại khiến việc đưa ra quyết định kinh doanh gần như không thể. Ông cho biết, ngành thời trang thông thường vận hành theo lịch trình ít nhất là sáu tháng trước.

Đối với các thương hiệu quốc tế như Merz b. Schwanen đang kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ, bài toán lớn nhất lúc này là làm sao định giá sản phẩm một cách hợp lý, trong khi vẫn phải tính đến sự khó lường của các mức thuế trong tương lai.

Ngành thời trang "ngồi trên đống lửa" vì thuế quan - Ảnh 1

Theo chia sẻ của Phil Romagni, chủ cửa hàng thời trang nam Vestis có trụ sở tại Pittsburgh, các chủ doanh nghiệp thường được đặt mua hàng trong kho trước nhiều tháng, khiến thị trường đầy biến động hiện nay tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn hàng tương lai.

Đối với hãng Vestis, lượng hàng Thu - Đông sẽ bắt đầu cập bến vào tháng 8, sau khi thời gian tạm hoãn áp thuế 90 ngày dự kiến kết thúc. Điều này buộc Phil Romagni cùng nhiều chủ cửa hàng khác phải tính thêm chi phí thuế quan vào giá bán buôn - mức chi phí có thể chênh lệch đáng kể so với thỏa thuận ban đầu.

Cả Lennard Romagni và Phil Plotnicki đều cho rằng những khoản chi phí phát sinh ngoài dự đoán này có khả năng tạo ra những căng thẳng không đáng có giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Tuy khó có thể dự báo điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng một tinh thần đồng lòng vượt khó dường như đang hình thành, mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp rằng ngành thời trang sẽ tìm được cách thích ứng với chi phí gia tăng mà không gây ảnh hưởng lâu dài đến mối quan hệ giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ.

THUẾ QUAN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯỜI TIÊU DÙNG RA SAO?

Khi các nhà bán buôn và nhà sản xuất tìm cách bù đắp khoản thuế phát sinh ngoài dự kiến, người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu mức phí tăng mạnh. Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, các hộ gia đình tại Mỹ có thể phải chi thêm khoảng 3.800 USD mỗi năm nếu các mức thuế đối ứng của Tổng thống Trump chính thức có hiệu lực. Con số này đã bao gồm cả mức tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng, như chi phí quần áo.

Ngành thời trang "ngồi trên đống lửa" vì thuế quan - Ảnh 2

Điều này đặc biệt gây lo ngại đối với những thương hiệu mới thành lập, vốn dựa vào sản xuất quy mô nhỏ và mô hình kinh doanh trực tiếp đến tay người tiêu dùng, như Billie Todd – một công ty có trụ sở tại Massachusetts, chuyên sản xuất đồ len tại Scotland. 

“Các mức thuế của Tổng thống Donald Trump đi ngược lại tất cả những gì chúng tôi đã nỗ lực xây dựng: giá cả hợp lý, tay nghề thủ công trung thực và khả năng tiếp cận với sản phẩm chất lượng cao mà không phải trả quá nhiều chi phí. Thương hiệu của chúng tôi được gây dựng dựa trên khái niệm xa xỉ với mức giá dễ tiếp cận và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để duy trì điều đó,” đồng sáng lập thương hiệu, bà Heather Cathcart, chia sẻ.

Các doanh nghiệp hiện đang cân nhắc nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tài chính có thể ảnh hưởng đến ví tiền của khách hàng. Fortela – một thương hiệu thời trang xa xỉ đến từ Ý – đang tận dụng chiến lược truyền thông thương hiệu để xoa dịu khả năng khách hàng bị “sốc trước giá sản phẩm tăng” và tái khẳng định cam kết gắn bó với người tiêu dùng. 

“Chúng tôi cần nhắc nhở khách hàng rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu mạnh mẽ, có điều gì đó rất đặc biệt ở một sản phẩm được chế tác tại Ý và chất lượng sản phẩm của chúng tôi xứng đáng với mức giá đó”, Giám đốc điều hành Gaetano D'Angiulli chia sẻ. Bằng cách này, Fortela kỳ vọng bất kỳ sự gia tăng giá bán do thuế quan cũng sẽ được bù đắp nhờ bản sắc thương hiệu vững chắc.

Ngành thời trang "ngồi trên đống lửa" vì thuế quan - Ảnh 3

Đối với nhiều thương hiệu xa xỉ, giải pháp có thể là đẩy mạnh hơn nữa mô hình bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng. Nhờ vào quy định miễn thuế de minimis (áp dụng cho các mặt hàng có giá trị dưới 800 USD), các công ty có thể điều chỉnh chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào kênh bán buôn và tập trung hơn vào bán lẻ trực tiếp, nhằm tránh việc giá bán lẻ bị đội lên do các mức thuế mới.

Không thể phủ nhận rằng, sự bất định đang là tâm điểm xuyên suốt toàn ngành thời trang. Khi chưa có định hướng rõ ràng từ chính quyền hiện tại sau thời gian hoãn áp thuế 90 ngày, các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng ngành thời trang đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro bất cứ khi nào và bằng bất kỳ cách nào có thể. 

Tuy nhiên, bên dưới bức tranh đó vẫn tồn tại một niềm lạc quan âm thầm. Ít nhất, thói quen mua sắm chắc chắn sẽ thay đổi – vẫn có số lượng lớn người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cao để xứng đáng với số tiền bỏ ra, khi đó các doanh nghiệp sẽ luôn sẵn sàng tiếp đón họ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate