Thông tin từ VARS cho biết, trong năm 2022, cả nước đón nhận hơn 19.124 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới. Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.
LÊN TỚI 167 TRIỆU ĐỒNG/M2
Cùng trong năm, cả nước chỉ có 12 dự án được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 23% so với năm 2021. Lượng giao dịch sản phẩm cũng chưa tốt như kỳ vọng và tỷ lệ hấp thụ cuối năm 2022 thấp, chỉ bằng khoảng hơn 30%, ít hơn hẳn so đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp lại tăng trung bình 12-15% so với năm 2021. Cụ thể, mức giá này dao động từ 17 đến 167 triệu đồng/m2.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng công bố cuối năm 2022, giá bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) tại hầu hết các dự án đang mở bán như sau: ở tỉnh Quảng Ninh, Dự án Grand Bay Hạ Long, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 118 triệu đồng/m2, nhà phố thương mại (shophouse) có giá khoảng 120 triệu đồng/m2; dự án The Holiday Hạ Long, căn hộ du lịch (condotel) có giá khoảng 36 triệu đồng/m2.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, dự án Ocean Front Villas, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 107 triệu đồng/m2; dự án NovaWorld Nha Trang, nhà phố thương mại (shophouse) có giá khoảng 83 triệu đồng/m2; dự án Vega City Nha Trang, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 137 triệu đồng/m2.
Tương tự, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án NovaWorld Hồ Tràm, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 66 triệu đồng/m2, nhà phố thương mại (shophouse) có giá khoảng 100 triệu đồng/m2; dự án Ixora Hồ Tràm, nhà biệt thự du lịch (resort villa) có giá khoảng 69 triệu đồng/m2, căn hộ du lịch (condotel) có giá khoảng 52 triệu đồng/m2...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) Nguyễn Văn Đính đánh giá, thời điểm quý 4/2022, giá bán vẫn ở đỉnh điểm của thị trường nên mặc dù có sự điều chỉnh về giá nhưng mức giảm chưa nhiều, giá vẫn cao. Các hình thức giảm giá được thể hiện dưới dạng khuyến mãi, chiết khấu… song mặc nhiên vẫn không hấp thụ, vì quan trọng là nguồn vốn đang bị bó lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và ổn định tỷ giá. “Khi dòng tiền trên thị trường hạn chế tất yếu dẫn tới việc giao dịch kém bởi tiền không có lấy đâu ra mua sắm”, chuyên gia lý giải.
SẼ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG
Cũng theo vị này, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay phải chịu những ảnh hưởng chung từ nền kinh tế đất nước, mà không chỉ phân khúc này, nhà ở hay thậm chí cả bất động sản công nghiệp cũng tương tự. Tuy nhiên, mỗi phân khúc sẽ có mức chịu đựng khác nhau, có cách vượt qua khủng hoảng khác nhau và điều đó phụ thuộc vào việc tăng trưởng ở mỗi ngành.
Nếu như bất động sản công nghiệp phụ thuộc vào sự hồi phục của hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy công nghiệp, với nhà ở thì có thể diễn ra trong bối cảnh hoạt động phát triển hạ tầng, đô thị lẫn kinh tế tăng trưởng ổn định. Còn bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lại phụ thuộc vào việc phát triển của ngành du lịch, mà ngành này được thực hiện theo chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, lấy kinh tế du lịch làm mũi nhọn quốc gia. Với định hướng như thế, Việt Nam đương nhiên phải chú trọng đến nhiều hoạt động đầu tư nhằm thúc đẩy hệ thống hạ tầng, trong đó có cả dịch vụ hạ tầng lưu trú. Thế nên bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chắc chắn có nhiều cơ hội mở ra.
Đồng quan điểm, đại diện VARS cho rằng, khi mọi hoạt động đều hướng về du lịch, ngành du lịch tốt lên sẽ kéo sau cả phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt những sản phẩm bất động sản tác động tích cực cho sức khỏe, tinh thần cá nhân dự báo thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, góp phần định hình xu thế tương lai.
Đánh giá tiềm năng của du lịch nghỉ dưỡng, các chuyên gia cho rằng phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí lại, mà còn là phân khúc kinh doanh hấp dẫn cho nhà đầu tư thứ cấp và người dân, từ đó góp phần đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn những điểm chồng chéo, chưa rõ ràng, dễ gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước tại địa phương và trở thành "điểm nghẽn" cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc này. Vì vậy, thời gian tới nếu gỡ vướng được vướng mắc, chắn chắn sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phát triển toàn diện.