MBS mới đây đưa ra dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ trong Q1/2025 trên mức nền đang cao dần hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất tiêu dùng tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, không giống với các nhóm khác, doanh nghiệp ngành dầu khí lại được dự báo lợi nhuận giảm 27% do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý 1/2025, giá dầu Brent thế giới nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm. Giá dầu tăng từ mức 75 USD/thùng vào đầu năm lên vùng 82 USD/thùng vào giữa tháng 1, sau đó liên tục giảm sâu về vùng 70-72 USD/thùng, khi nhu cầu không thực sự cải thiện và tồn kho luôn duy trì ở mức cao.
Việc này ảnh hưởng tương đối đến diễn biến giá cổ phiếu dầu khí trong quý 1, do tác động tiêu cực đến hoạt động của một số doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là ở khu vực hạ nguồn.
Các doanh nghiệp lọc dầu có thể ghi nhận kết quả giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái khi nền giá dầu và crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô với giá sản phẩm tinh chế từ dầu) đều thấp hơn, tuy nhiên kết quả có thể cải thiện so với quý trước khi crack spread có dấu hiệu tạo đáy và hồi phục trong các tháng gần đây.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc giá dầu diễn biến theo xu hướng giảm có thể khiến lợi nhuận hoạt động kinh doanh xăng dầu suy giảm do độ trễ của kỳ điều chỉnh giá bán, tuy nhiên cần lưu ý rằng kể từ đầu tháng 3 đến nay, giá dầu cũng đã cải thiện nhẹ từ mức thấp.
Các doanh nghiệp kinh doanh khí dự kiến ghi nhận kết quả đi ngang hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ khi nền giá dầu thấp hơn được phản ánh vào giá bán trong khi sản lượng khí không thay đổi đáng kể do nhập khẩu LNG chưa mạnh.
Đối với các doanh nghiệp vận tải dầu khí, lợi nhuận dự kiến ổn định khi giá cước vận tải dầu thô và dầu thành phẩm giảm được bù đắp bởi đội tàu lớn hơn cùng kỳ. Ở phía thượng nguồn, lợi nhuận của PVD có thể thấp hơn so với cùng kỳ khi thời gian bảo dưỡng của một số giàn tự nâng là khá nhiều trong khi giá thuê giàn không tăng; trong khi PVS được kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận tích cực nhờ tiếp tục triển khai các gói thầu thuộc dự án Lô B - Ô Môn với biên lợi nhuận gộp có thể cao hơn, đồng thời tiếp tục bàn giao các chân đế còn lại cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4.

Cụ thể, với PVT ước tính lợi nhuận quý 1 tăng nhẹ 6%. Cước TC rates cho vận tải dầu thô và dầu thành phẩm tham chiếu giảm nhẹ so với quý trước, trong khi đội tàu không mở rộng trong quý đầu năm. Lợi nhuận dự kiến đi ngang so với quý trước và giảm nhẹ so với cùng kỳ do nền giá cước thấp hơn nhưng đội tàu tăng so với cùng kỳ.
Với PVS dự kiến lợi nhuận tăng 5%. Trong quý 1/2025, PVS dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao phần chân đế còn lại cho dự án Greater Changhua 2b&4. Doanh nghiệp tiếp tục triển khai các gói thầu EPCI thuộc dự án Lô B - Ô Môn, cũng như các gói thầu cho các dự án khai thác dầu khí khác trong nước, từ đó có thể ghi nhận kết quả tích cực khi biên lợi nhuận các dự án dầu khí kỳ vọng lớn hơn các dự án điện gió ngoài khơi.
Lưu ý rằng doanh nghiệp đã trích lập dự phòng phải trả 252 tỷ tiền thuê đất tại căn cứ dịch vụ hàng hải dầu khí Sao Mai - Bến Đình trong năm 2024, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Với GAS, ước tính lợi nhuận giảm nhẹ 2%. Sản lượng khí khô (bao gồm LNG) trong quý 1 có thể không cao do không phải mùa cao điểm huy động điện khí, tuy nhiên có thể được bù đắp lại bởi hoạt động kinh doanh LPG nhờ đà mở rộng tốt của năm 2024. Giá dầu ở mức nền thấp hơn so với cùng kỳ quanh vùng 70 USD/thùng cũng không phải là yếu tố hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận.
Trong khi đó PVD ước tính lợi nhuận giảm mạnh 22%. Thanh lý giàn Landrig 11, các giàn tự nâng hoạt động với giá thuê giàn không thay đổi nhiều. Giàn tự nâng PV Drilling III và PV Drilling VI ghi nhận bảo dưỡng nhỏ trong quý 1, đồng thời giàn PV Drilling VI ghi nhận sửa chữa (không có giá thuê giàn) trong 33 ngày từ 11/3 đến 14/4. Việc một số giàn sửa chữa/ bảo dưỡng khiến hiệu suất hoạt động các giàn giảm, đồng thời ghi nhận chi phí khiến lợi nhuận quý 1/2025 của PVD có thể không tích cực.
BSR lợi nhuận giảm tới 53% trong quý 1. Từ đầu Q1/2025 đến giờ, crack speard Châu Á xăng/diesel/nhiên liệu phản lực ước tính giảm lần lượt 13%/7%/18%. Do đó, crack spread nối tiếp xu hướng giảm mạnh trong Q1/2025 khiến cho lợi nhuận quý 1 có thể sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
PLX: Nghị định về kinh doanh xăng dầu chưa được phê duyệt chính thức và có hiệu lực trong Q1/2025, do đó không có thay đổi nhiều trong hoạt động kinh doanh và công thức giá bán so với quý trước. So với cùng kỳ, các chi phí kinh doanh định mức cho các sản phẩm xăng dầu của PLX được điều chỉnh tăng (theo công văn 6808 ngày 1/7/2024) nhưng giá dầu lại diễn biến theo chiều giảm (từ vùng 80 USD/thùng vào đầu năm 2025 xuống vùng 72 USD/thùng vào cuối Q1/2025), có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp, ước tính giảm 77%.