Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này còn có báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng của Mỹ giảm đáng kể trong tuần trước. Theo báo cáo này, lượng dầu thô tồn kho của Mỹ đã có tuần giảm thứ 8 liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, số liệu cho thấy nhu cầu xăng giảm đã tác động nhiều hơn đến giá dầu.
“Sau mức tăng ấn tượng của tuần trước đó, nhu cầu tiêu thụ xăng đã giảm đáng kể trong tuần vừa rồi, dẫn tới lượng tồn kho xăng tăng lên”, nhà nghiên cứu Matth Smith thuộc ClipperData nhấn mạnh.
Do nhu cầu xăng giảm và các nhà máy lọc dầu giảm sản lượng, mức tồn kho xăng của Mỹ tăng 1 triệu thùng trong tuần báo cáo, thay vì giảm 1,8 triệu thùng như kỳ vọng của thị trường.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,26%, còn 74,76 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 2,82%, còn 73,13 USD/thùng.
Reuters nói rằng Saudi Arabia và UAE, hai cường quốc dầu lửa ở vùng Vịnh, đã đi đến nhất trí để UAE nâng mức sản lượng cơ sở của nước này trong thoả thuận sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Tuần trước, cuộc họp của OPEC+ đã đổ vỡ sau khi UAE đòi nâng sản lượng cơ sở của mình nhưng Saudi Arabia không chấp thuận. Vì lý do này, OPEC+ không thể đi đến một quyết định tiếp tục nâng sản lượng dầu như dự kiến. Giá dầu sau đó giằng co mạnh, vì có lúc thị trường lo ngại sự đổ vỡ này sẽ dẫn tới nguồn cung dầu bị thắt chặt trong lúc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng; có lúc nhà đầu tư lại cho rằng sản lượng dầu có thể sẽ tăng vì các nước OPEC+ sẽ từ bỏ cam kết sản lượng và khai thác dầu tuỳ thích.
Việc hai nước trên đạt đồng thuận sẽ mở đường để OPEC+ tiếp tục nới sản lượng khai thác dầu cho tới cuối năm 2022 – nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters. Tuy nhiên, thông tin này chưa được các bên liên quan chính thức xác nhận.
Một thông tin bất lợi khác đối với giá dầu phiên này là dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 6 tháng dầu năm nay giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên như vậy kể từ năm 2013, do những yếu tố như thiếu hạn ngạch nhập khẩu, việc bảo trì các nhà máy lọc dầu, và giá dầu thế giới tăng.
“Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu vì giá dầu thô tăng cao làm suy giảm tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu”, Eurasia Group nhận định.
Tuy nhiên, với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, nhiều dự báo gần đây vẫn lo ngại về khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu vượt khả năng đáp ứng của nguồn cung. Trong một báo cáo vào tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng trong quý 3, mức giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ mạnh nhất trong 1 thập kỷ.