Giá đường thế giới đạt 0,27 USD/pound tăng 35% so với đầu năm, tăng 56% so với cùng kỳ trong tháng 4/2023, cao hơn mức đỉnh 10 năm do điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Ấn Độ và Trung Quốc. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo lượng đường dư cung trên thế giới trong niên độ 2022/2023 từ 6,2 triệu tấn trong tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn trong tháng 2/2023.
Theo Reuters, bang Maharashtra của Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất 10,5 triệu tấn ( -23,3% so với cùng kỳ), thấp hơn 3,3 triệu tấn so với dự báo trước đó vào cuối năm 2022. Chất lượng mía thấp hơn dự kiến do điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây mía chín sớm hơn và giảm trọng lượng. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên độ 2022/2023 đạt 34 triệu tấn (-5% so với cùng kỳ), thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Theo USDA, sản lượng đường của Trung Quốc ước đạt 9 triệu tấn (-6,3% so với cùng kỳ), thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Nhìn chung, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến sẽ giảm 13% so với cùng kỳ trong niên độ 2022/2023, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.
Trong khu vực ASEAN, sản lượng đường sản xuất của Thái Lan ở mức cao có thể làm tăng thêm áp lực đường nhập lậu lên nguồn cung đường Việt Nam trong giai đoạn 2023/2024. Sản lượng đường của Thái Lan đạt 11 triệu tấn (+8,3%) do điều kiện thời tiết thuận lợi và tỷ lệ chuyển đổi mía thành đường cao hơn trong niên độ 2022/2023, theo USDA.
Trong niên độ 2023/2024, sản lượng đường dự kiến sẽ tăng lên 11,2 triệu tấn (+1,5% so với cùng kỳ), đây là mức cao khi so với niên vụ 2017-2020 do hạn hán. Do đó, USDA dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn (+57%) trong niên độ 2022/2023 và 12 triệu tấn (+9%) trong niên độ 2023/2024.
Giá đường trong nước bắt đầu tăng nhờ ảnh hưởng giá đường thế giới và dự kiến sẽ tăng từ Q2/2023, theo QNS. Trong tháng 5/2023, giá đường trong nước tăng lên 20.000 đồng/kg (+10% so với đầu năm, +12% so với cùng kỳ), sau khi hầu như không thay đổi trong suốt Q1/2023 ở mức khoảng 18.000 đồng/kg.
Theo USDA, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam sẽ ổn định trong khoảng 2,3-2,4 triệu tấn/năm. Theo VSSA, sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 871 nghìn tấn (+16,6%) cho niên độ 2022/2023.
SSI Research báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Hiện tại, giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg (+12% svck) từ Q2/2023.
Ngoài ra, kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô. Giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường
Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với mặt hàng đường nguyên liệu xuất xứ Thái Lan, với tổng thuế suất là 47,64%. Sau khi triển khai, tổng lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam giảm từ 1,7 triệu tấn (+9%) trong năm 2021 xuống còn 1,2 triệu tấn trong năm 2022 (-29%). Giáđường tăng 8,7% so với tháng trước sau khi thực hiện. Theo VSSA, việc kiểm soát đường nhập lậu đã được cải thiện kể từ Q2/2023 nhờ đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5/2024. Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với “sản phẩm nước giải khát có đường, theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)”.
Cụ thể, đồ uống có đường bao gồm nước uống có ga, nước tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước uống chứa trà, nước uống chứa cà phê và nước uống trái cây. Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính đề xuất dự luật này. Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã đề xuất việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường nhưng không được thông qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp thuế sẽ dẫn đến mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt Nam giảm 860-900 triệu lít.
Mức giảm này tương ứng với việc giảm 1%-3% lượng đường tiêu thụ trong nước. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ít có tác động đến tiêu thụ đường trong nước.
SSI Research duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS với giá mục tiêu là 52.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 19%, tổng mức sinh lời là 26%). Trong năm 2024, ước tính lợi nhuận của QNS đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (+14% svck), nhờ mảng đường và điện sinh khối mang lại 812 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+34% svck).
Cổ phiếu SLS với giá mục tiêu là 188.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 16%, tổng mức sinh lời là 27%). Cổ tức tiền mặt cao và giá đường trong nước tăng sẽ giúp thị trường định giá lại cổ phiếu SLS.