December 30, 2009 | 10:20 GMT+7

Giá đường “trên trời”: Lợi ai, thiệt ai?

Chu Khôi

Nguồn cung đang dồi dào nhất trong năm, nhưng giá đường vẫn "phi nước đại" và chưa có dấu hiệu dừng lại

Người tiêu dùng đang phải mua đường với giá "trên trời".
Người tiêu dùng đang phải mua đường với giá "trên trời".
Mặc dù đang là chính vụ sản xuất mía đường, thời  điểm nguồn cung dồi dào nhất hàng năm, nhưng giá đường vẫn đang "phi nước đại" và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều doanh nghiệp và cả người tiêu dùng đều rất bức xúc vì đang vụ cao điểm sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán lại phải mua đường với giá “trên trời”.

Chính một số doanh nghiệp chế  biến sữa, sản xuất bánh kẹo đã từng “lo sốt vó” đòi nhập khẩu thêm đường vào thời  điểm cách đây khoảng 3 tháng, khi giá đường liên tục phi mã. Lúc đó vụ sản xuất đường chưa bắt đầu, và Hiệp hội Mía đường (VCSA) đã luôn trấn an rằng giá đường cuối năm sẽ hạ vì nguồn cung dồi dào từ các nhà máy đường. Trong cuộc họp toàn thể thành viên vào đầu vụ, VCSA đã công bố giá định hướng bán buôn đường kính trắng ở mức 10.500 đồng/kg và giá sàn mua mía tại ruộng là 600.000 đồng/tấn.

Thế nhưng khi vụ sản xuất đường diễn ra, thì giá đường lại không được bình ổn, mà ngược lại. Từ đầu tháng 12/2009 đến nay, giá đường trong nước đột ngột tăng mạnh, liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Giá bán buôn tại kho các nhà máy chế biến đường đã tăng từ 14.000-14.500 đồng/kg (vào tháng trước) lên mức giá 16.000-16.500 đồng ở thời điểm hiện tại.

Giá đường bán lẻ tại các cửa hàng cũng đã tăng từ 16.500 đồng/kg lên 19.000 - 20.000 đồng/kg. TS Hà Hữu Phái, Tổng thư ký VCSA khẳng định, giá đường tăng cao hoàn toàn không phải do nguồn cung khan hiếm, mà do tác động của nhiều yếu tố như giá mía nguyên liệu, giá xăng dầu tăng và giá đường thế giới tăng. Trong đó, giá mía nguyên liệu là yếu tố chính đẩy giá đường lên cao. Ở thời điểm tháng 10/2009, giá mía chữ đường 8 CCS tại ruộng là 630.000 đồng/tấn; 10 CCS là 730.000 đồng/tấn. Nhưng từ đầu tháng 11/2009 đến nay, giá nguyên liệu khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên tới 1-1,1 triệu đồng/tấn mía 10 CCS.

Ông Phái cho rằng: “Mặc dù giá đường cao, nhưng các doanh nghiệp sản xuất đường vẫn không được lợi nhiều, vì các nhà máy đường đang bị thương lái cung cấp mía ép giá. Một số nhà máy đường đang điêu đứng vì không mua được nguyên liệu, chứ chẳng sung sướng gì đâu!”. Cứ theo VCSA thì các nhà máy đường đã không có lợi, vậy hẳn nông dân trồng mía sẽ phát tài? Nhưng thực tế không phải như vậy, hầu hết nông dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ bán được cho thương lái với giá 600-700 nghìn đồng/tấn, cũng chỉ ngang bằng mức giá mà VCSA đề ra vào đầu vụ.

Cũng theo TS Hà Hữu Phái, tất cả các nhà máy đường đang sản xuất mạnh, hiện mỗi tháng cả nước sản xuất  được 200-250 nghìn tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu thụ bình quân chỉ 80 nghìn tấn đường/tháng. Bởi vậy, VCSA khẳng định sản lượng đường trong nước không thiếu, nguồn cung từ nay đến Tết Canh Dần đủ bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định từ nửa cuối tháng 11 trở đi, cân đối cung cầu đường bắt đầu chuyển sang giai đoạn dư thừa vì các nhà máy mỗi ngày xuất xưởng gần 4.000 tấn đường. Ông Phái cho rằng, giá đường hiện nay tuy cao ngất ngưởng, nhưng không phải là giá vô lý mà do tăng tương đồng với giá đường trên thị trường thế giới.

Cách đây 2,5 tháng, giá đường thế giới lên ngưỡng gần 600 USD/tấn tưởng đã là kỷ lục trong vòng 28 năm qua và sẽ khó có thể tăng thêm được nữa. Thế nhưng, sau gần 2 tháng giảm nhẹ do hoạt động bán ra của các nhà đầu cơ cùng với sự tăng giá của đồng đôla Mỹ, giá đường thế giới hồi phục trở lại. Đến ngày 24/12/2009, giá đường thế giới thiết lập kỷ lục mới là 684 USD/tấn. Ông Phái bày tỏ: “Giá đường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, và không biết sẽ tiếp tục đi đến đâu”.

Đường tăng giá đang kéo theo nhiều loại thực phẩm khác tăng giá và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Đại diện Công ty sữa Vinamilk bức xúc: “Từ đầu năm đến nay giá đường đã tăng gấp đôi. Đây là nguyên nhân Vinamilk phải tăng giá sữa thêm 6% vào đầu tháng 12/2009, nếu cân đối chính xác thì Vinamilk phải tăng giá 40% mới bù nổi vào giá đường”. Các công ty thực phẩm, công ty sản xuất bánh kẹo... cũng như ngồi trên đống lửa bởi giá đường tăng quá cao trong khi mùa làm hàng Tết đang cao điểm.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Hà Hữu Phái: “Ngành đường gắn liền với đời sống của rất nhiều nông dân trồng mía, nên đây là ngành đặc thù phải được Nhà nước bảo hộ. Đã nhiều năm giá đường luôn thấp khiến các nhà máy đường và nông dân trồng mía lao đao. Giá đường hiện nay tuy tăng mạnh, nhưng mới đúng với giá trị thực của đường và đảm bảo thu nhập cho người trồng mía. Thế nhưng, giới tiêu dùng và các nhà máy sản xuất bánh kẹo đã vội kêu là đắt đỏ, thậm chí còn cho rằng: ngành đường đang tát nước theo giá đường thế giới. Thật oan uổng cho ngành đường!”.

Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi: bảo hộ ngành đường vì lợi ích của người tiêu dùng hay vì lợi nhuận của 37 nhà máy đường trong nước?. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đặt lại vấn đề về trách nhiệm điều hành của VCSA như thế nào trong việc để xảy ra cơn sốt giá đường hiện nay, khi VCSA luôn kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương hạn chế nhập khẩu đường, đồng thời phải nhập khẩu theo một lịch trình và hạn ngạch định sẵn để bảo hộ các doanh nghiệp đường trong nước...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate