June 15, 2023 | 07:00 GMT+7

Giá khí đốt ở châu Âu rục rịch tăng mạnh, thị trường LNG lại sắp nóng?

Bình Minh -

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - có lúc tăng tới 20%...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Biến động giá khí đốt mấy ngày gần đây tại thị trường châu Âu đặt ra một câu hỏi hóc búa đối với các nhà giao dịch: liệu cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn còn căng thẳng tới mức buộc châu Âu phải nhập khẩu nhiều hơn nữa khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) ngay giữa lúc nhu cầu giảm xuống mức thấp trong những tháng mùa hè?

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá khí đốt tự nhiên giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - có lúc tăng tới 20%, lên mức 36 Euro/megawatt giờ, nối dài xu thế tăng bắt đầu từ tuần trước, khi giá nhiên liệu này có tuần tăng đầu tiên sau 9 tuần giảm liên tiếp.

So với mức kỷ lục mọi thời đại hơn 340 Euro/megawatt giờ thiết lập ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa hè năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn 90%. Cơ sở cho sự “giảm nhiệt” giá khí đốt này là châu Âu đã làm đầy được dự trữ khí đốt và giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga.

Tuy nhiên, giá khí đốt đã bật tăng trong những phiên gần đây do dự báo thời tiết nóng hơn trong mùa hè năm nay ở châu Âu và sự gián đoạn nguồn cung kéo dài tại các mỏ khí đốt ở Na Uy. Ngoài ra, các nhà giao dịch lại bắt đầu lo ngại về vấn đề nguồn cung khí đốt nói chung của châu Âu, cho dù mức dự trữ khí đốt của khu vực đang ở mức rất cao so với bình quân của thời điểm này hàng năm.

Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay, nhưng các nhà giao dịch lo lắng rằng nhu cầu ngắn hạn gia tăng sẽ làm hỏng kế hoạch đó. Họ đề cập đến thời tiết nắng nóng hơn bình thường của những tháng mùa hè sẽ tiêu tốn nhiều khí đốt hơn cho việc làm mát,  sự gia tăng của nhu cầu khí đốt ở châu Á, và rủi ro gián đoạn dòng chảy khí đốt Nga còn lại. Ngay cả trước đây, khi chiếm 90% nguồn cung khí đốt của châu Âu, khu vực này vẫn phải nhập thêm LNG trong những tháng mùa đông.

“Mọi người đều biết rằng ngay khi lượng khí đốt dự trữ này bắt đầu được tiêu thụ và nếu các lô LNG tiếp tục chảy về phía châu Á, chúng ta sẽ quay lại tình huống hai năm trước” khi có sự cạnh tranh toàn cầu để giành giật LNG - một nhà kinh doanh khí đốt nhận định.

Một nguyên nhân chính của sự tăng giá LNG trong năm ngoái là do các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu cần phải trả giá cao hơn để giành quyền mua từ các đối thủ đến từ châu Á.

Diễn biến giá khí đốt giao sau trên sàn TTF từ đầu năm đến nay. Đơn vị: Euro/megawatt giờ.
Diễn biến giá khí đốt giao sau trên sàn TTF từ đầu năm đến nay. Đơn vị: Euro/megawatt giờ.

Vào đầu tháng 6 này, thị trường dường như cho thấy châu Âu có đủ khí đốt, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Giá khí đốt TTF đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, mức trước khi Nga bắt đầu siết chặt nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của châu Âu trước thời điểm chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Giá khí đốt “hạ nhiệt” là nhờ vào các cơ sở dự trữ khí đốt của EU - lực lượng chính để đáp ứng nhu cầu trong mùa đông - đã đầy gần 70%, cao hơn khoảng 20% ​​so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm.

Giá khí đốt giảm xuống mức thấp không khuyến khích các nhà giao dịch vận chuyển LNG bằng đường biển đến châu Âu, và thay vào đó, họ tìm kiếm các thị trường khác để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Theo truyền thống, các lô LNG đã chuyển hướng đến các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc - những nước mà trước cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vốn là thị trường hàng đầu cho LNG.

Bà Natasha Fielding, người đứng đầu bộ phận định giá khí đốt châu Âu tại Argus Media, nhận định: “Thị trường đang cân bằng tốt vào thời điểm hiện tại. Đây là một trò chơi đoán xem liệu châu Âu có cần giảm nhập khẩu LNG cho mùa hè hay không” hay liệu dòng chảy khí đốt tự nhiên qua các đường ống dẫn tới khu vực này có giảm nhiều hay không.

Dù nhu cầu LNG của châu Á đã yếu đi trong năm nay, “kịch bản chủ đạo là những nước nhập khẩu LNG ở khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tăng mua trước mùa sưởi ấm trong mùa đông. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu để giành nguồn cung cấp, với kết quả là giá LNG có thể bị đẩy lên cao hơn”, chuyên gia Sam Reynolds - người phụ trách mảng LNG và khí đốt châu Á thuộc Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) - phát biểu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate