September 24, 2009 | 16:35 GMT+7

Giá mía nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục

Y Nhung

Hiện mía nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang được thu mua với giá khoảng 630.000 đồng/tấn ngay tại ruộng

Với giá thu mua như hiện nay, nông dân trồng mía rất phấn khởi.
Với giá thu mua như hiện nay, nông dân trồng mía rất phấn khởi.
Hiện mía nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang được thu mua với giá khoảng 630.000 đồng/tấn ngay tại ruộng.

Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết: tuỳ theo chữ đường của mía nguyên liệu, giá thu mua này có thể dao động thêm 50.000 đồng/tấn. Cộng chi phí vận chuyển từ 50.000-110.000 đồng/tấn khi về tới nhà máy, mía nguyên liệu đang được thu mua với giá khoảng 800.000 đồng/tấn, mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Cuối vụ mía đường năm 2008-2009, giá mía được thu mua tại nhà máy ở mức 700.000 đồng/tấn đã được đánh giá là cao nhất so với những năm trước đó.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng bước vào vụ sản xuất mía đường sớm nhất trong cả nước. Hiện sản lượng mía khu vực này đang đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nguyên liệu của toàn ngành mía đường.

Theo dự báo, các vùng mía đường khác là Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên khi bước vào vụ sản xuất (từ tháng 11/2009), giá thu mua nguyên liệu tại ruộng cũng sẽ đạt khoảng 600.000 đồng/tấn.

Nguyên nhân chính khiến giá thu mua nguyên liệu tăng là do thời gian qua, trên thế giới, giá đường kính trắng đã tăng lên mức 591USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với mức giá 330 USD/tấn vào thời điểm tháng 8/2008. Điều này đã khiến cho giá đường trong nước gần đây cũng tăng khá mạnh.

Theo khảo sát của VnEconomy, tại siêu thị hiện đường trắng tinh luyện xuất khẩu có giá 17.200 đồng/kg, tại các cửa hàng mặt hàng này đang được bán với giá 16.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Phái, hiện sản lượng sản xuất của toàn ngành đạt khoảng 1triệu tấn đường/năm. Trong khi nhu cầu tiêu dùng của cả nước giai đoạn 2009-2010 được dự báo ở mức 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Do vậy, từ nay tới năm 2010, nước ta vẫn phải nhập khẩu đường.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate