Giá thu mua vàng miếng SJC cuối giờ chiều ngày 28/12 giảm về ngưỡng hơn 73 triệu đồng/lượng từ hơn 78 triệu đồng/lượng vào buổi sáng. Cú giảm chóng mặt diễn ra sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Phú Quý trong lần cập nhật giá vàng cuối cùng trong ngày báo giá vàng miếng SJC ở mức 73,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 77,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với đầu giờ sáng, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này đã giảm 4,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Chênh lệch giữa hai đầu giá mua bán vàng miếng tăng mạnh, lên tới 4 triệu đồng/lượng - một mức chênh hiếm gặp, từ mức 1,6 triệu đồng/lượng vào buổi sáng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 giảm ít hơn. Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 62,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng so với buổi sáng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu vào cuối giờ chiều ở mức 74,5 triệu đồng/lượng và 77,5 triệu đồng/lượng, giảm 3,8 triệu đồng/lượng và 2,3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Giả sử một nhà đầu tư mua vàng miếng SJC ở mức giá đỉnh hơn 80 triệu đồng/lượng cách đây 2 ngày, nếu bán ra vào chiều nay sẽ lỗ tới gần 7 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy rủi ro khi mua vàng ở những thời điểm giá vàng tăng mạnh và có chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế.
Hôm thứ Ba, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn tới trên 19 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế quy đổi.
Lúc hơn 9h tối ngày 28/12, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giao dịch ở mức 2.075,4 USD/oz, giảm khoảng 2 USD/oz so với giá chốt của phiên trước. Mức giá này tương đương khoảng 61 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Như vậy, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 16,3-16,5 triệu đồng/lượng.
Công điện ngày 28/12 của Thủ tướng nêu rõ “trong thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng”.
Đặc biệt, công điện có nội dung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước “khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường”.
Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”
Ngân hàng Nhà nước cũng được Thủ tướng yêu cầu “rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức... đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024”.
Công điện chỉ đạo “các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp công tác để kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi… bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả”.