SCIC báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM-HOSE).
Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) – thành viên thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đăng ký bán toàn bộ 965.000 cổ phiếu VNM, nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 8/9 đến 7/10/2023.
Trước đó, từ ngày 3/8 đến ngày 31/8/2023, tổ chức này đăng ký bán 1.050.000 cổ phiếu VNM nhưng bán được 85.000 cổ phiếu do biến động thị trường. Sau giao dịch, tổ chức này giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk xuống còn 0,046%, tương ứng 965.000 cổ phiếu.
Về người có liên quan, SCIC hiện có 3 đại diện vốn đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của Vinamilk bao gồm ông Lê Thanh Liêm, ông Hoàng Ngọc Thạch và bà Đặng Thị Thu Hà. Trong 3 cá nhân này chỉ có duy nhất ông Liêm đang sở hữu cổ phiếu VNM với khối lượng là 493.381 đơn vị (tỷ lệ 0,024%).
Trên thị trường, sau khi giá cổ phiếu VNM xuống thấp nhất trong 52 tuần qua (65.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 26/6) thì nay giá cổ phiếu VNM diễn biến tương đối khởi sắc thời gian gần đây, tăng khoảng 21% kể từ trung tuần tháng 6 và đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất trong vòng 9 tháng (79.300 đồng/cổ phiếu) và tạm tính tại mức thị giá hiện tại, SIC có thể thu về khoảng 76,5 tỷ đồng nếu như bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) đã điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 6% và duy trì khuyến nghị "khả quan" cho cổ phiếu VNM. VCSC nâng giá mục tiêu chủ yếu do VCSC nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2025 thêm 5% khi VCSC nâng dự phóng biên lợi nhuận gộp các năm 2024/2025 lần lượt thêm 100/70 điểm cơ bản lên 44,1%/44,7%, để phản ánh kỳ vọng gia sữa nguyên liệu đầu vào sẽ giảm trong năm 2024 của VCSC.
Ngoài ra, VCSC cũng nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 thêm 1% do VCSC nâng dự báo doanh số xuất khẩu thêm 7% do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 vượt dự báo của VCSC.
Đáng chú ý, VCSC đánh giá cao khả năng sinh lời cao, bảng cân đối kế toán và dòng tiền mạnh của VNM. VCSC kỳ vọng VNM sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu là 6% và CAGR EPS là 10% trong giai đoạn 2023-2026 nhờ (1) thu nhập người lao động tại Việt Nam tăng khi thị trường lao động phục hồi và (2) biên lợi nhuận gộp được cải thiện trong bối cảnh giá sữa giảm.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng chỉ khi nào VNM thành công lấy lại thị phần và nâng cao sức mạnh thương hiệu thì định giá cổ phiếu mới được định giá lại. Giá mục tiêu của VCSC tương ứng P/E dự phóng các năm 2023/2024/2025 của VNM lần lượt là 20 lần/18 lần/16 lần, so với trung vị P/E trượt 5 năm của công ty là 21 lần và trung vị P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 23 lần.
VCSC cho biết yếu tố hỗ trợ là chiến lược tái định vị thương hiệu thành công sẽ dẫn đến tài sản thương hiệu mạnh hơn và tăng thị phần; thay đổi danh mục sản phẩm tích cực và rủi ro đối với VNM là chiến lược tái định vị thương hiệu kém hiệu quả; cải tiến sản phẩm hoặc mở rộng danh mục sản phẩm kém hiệu quả; chi phí đầu vào biến động bất lợi ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.