Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 6 và 7/9/2022, đoàn công tác của tỉnh Long An đã đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh Ibaraki và tổ chức Hội thảo Xúc tiến tiếp nhận lao động của tỉnh Long An đến làm việc tại tỉnh Ibaraki.
Ông Kazuhiko Oigawa, Tỉnh trưởng tỉnh Ibaraki, cho biết hiện đã có khoảng 12.000 người Việt Nam đang sống và làm việc tại tỉnh Ibaraki. Đây là lực lượng lao động có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh. Cũng đang có nhiều doanh nghiệp của tỉnh Ibaraki mong muốn sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Theo ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Long An, với lợi thế về lực lượng lao động dồi dào (hơn 1 triệu người), trong đó hơn 72% được qua đào tạo nghề cũng như có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại địa phương (trên 130 doanh nghiệp), Long An có những điều kiện rất phù hợp trong việc hợp tác lao động tại tỉnh Ibaraki.
Với mối quan hệ giữa hai địa phương như hiện nay, chính quyền tỉnh Long An sẽ dành sự hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp Ibaraki đến đầu tư, làm ăn tại địa phương. Ông Mai Văn Nhiều mong muốn tỉnh Ibaraki sớm tổ chức đoàn công tác sang thăm, xúc tiến quan hệ hợp tác và tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Long An.
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết đại sứ quán sẽ cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan hữu quan của tỉnh Long An xúc tiến các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức Nhật Bản…
Nhân chuyến công tác, Đoàn xúc tiến đầu tư tỉnh Long An đã đến thăm, làm việc tại Nhà máy Mitsui E&S Machinery tại tỉnh Oita, thành phố Oita, Nhật Bản (đơn vị thành viên của Tập đoàn Mitsui).
Đoàn đã có buổi làm việc với Đại diện Lãnh đạo của Mitsui E&S tại Nhà máy, khảo sát tiến độ lắp dựng 24 thiết bị cẩu hiện đại hàng đầu thế giới đã hoàn thiện 100% và chuẩn bị đưa lên tàu chuyên dụng nhập khẩu về Việt Nam trong vài ngày tới. Dự kiến cẩu sẽ được vận chuyển về đến Cảng Quốc tế Long An vào tháng 10/2022.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết Cảng Quốc tế Long An là dự án trọng điểm và là điểm nhấn trong thu hút đầu tư của tỉnh, được các doanh nghiệp đầu tư tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đánh giá là địa điểm tập kết trung chuyển, giao thương hàng hóa quan trọng của khu vực phía Nam với các khu vực khác trong nước và thế giới.
Trong bối cảnh chung của toàn cầu đang tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tự động hóa logistics, giao hàng dặm cuối... những định hướng phát triển của Cảng Quốc tế Long An được nhận định là đúng xu hướng phát triển, bao gồm đề án tàu buýt container với mục tiêu mang lại những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp trong quá trình tối ưu hóa chi phí logistics, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Từ quý 2/2023, Cảng Quốc tế Long An có 2 bến cảng container, 6 cẩu trục và 9 bãi container (bao gồm cả khu vực cho contianer lạnh) có thể khai thác hơn 500.000 TEUs hàng năm, thâm nhập vững chắc trên thị trường chuỗi cung ứng và logistics tại Việt Nam và quốc tế.
“Long An cùng với những lợi thế sẵn có, đặc biệt có một Cảng biển quốc tế tầm cỡ khu vực, hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư”, ông Lâm nói.