Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có trên 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động với thời gian hoạt động từ 5 năm trở lên; trong đó, có 1.232 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm khoảng 23% trong tổng số doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc và có 64% số doanh nghiệp đã từng hoặc đang liên kết với các doanh nghiệp FDI.
Vì vậy, Vĩnh Phúc đang ưu tiên phát triển doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng, nhất là các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực sản xuất xe máy (ưu tiên xe điện, xe chất lượng cao); điện tử gia dụng; máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo; và ô tô, ô tô điện và linh kiện ô tô.
GẮN KẾT ĐIỂM MẠNH CHUNG CỦA HAI TỈNH
“Vĩnh Phúc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh cho các lĩnh vực nói trên. Đây là cơ sở quan trọng để xúc tiến liên kết doanh nghiệp”, bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Vĩnh Phúc (Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc) nói.
Cụ thể, theo bà Trang, khung pháp lý, chính sách dành riêng cho công nghiệp chế biến chế tạo và chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như các địa phương vào phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này khá hoàn thiện; do đó, các nhà đầu tư không bị vướng mắc về thủ tục nhiều.
Hơn nữa, tỉnh Tochigi hiện mới có 14 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu là về lĩnh vực sản xuất các chế phẩm từ nhựa và kim loại. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất nhựa và kim loại, tỉnh Tochigi còn có thế mạnh về nông sản, các phương pháp chăm sóc và cấy ghép dâu nổi tiếng, đây là thế mạnh thu hút rất nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh tới tỉnh Tochigi.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và sản phẩm lâm nghiệp.
“Từ những điểm chung trên, tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn có thể thu hút được các nhà đầu tư từ Tochigi vào lĩnh vực là thế mạnh chung của hai tỉnh”, bà Trang nhấn mạnh.
NHIỀU LỢI THẾ ĐẦU TƯ
Chia sẻ về những ưu đãi đầu tư, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết ngoài chính sách ưu đãi đầu tư chung được ban hành, Vĩnh Phúc đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu cao từ nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh nằm trong top 10 địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam, cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh thành phố lớn tại Việt Nam.
Hiện Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 5.487,31ha. Trong đó, 157,67 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê tại khu công nghiệp Bá Thiện và 1 số khu công nghiệp khác với hạ tầng địa chất hoàn hảo.
Đặc biệt, theo báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước về điện, trong những năm qua, Vĩnh Phúc không có tình trạng mất điện, thiếu điện tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương duy nhất trong cả nước chủ động sử dụng ngân sách tỉnh để đầu tư các dự án, công trình điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh và sẵn sàng hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng trạm biến áp riêng cho các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn chiến lược nhằm phục vụ sản xuất có hiệu quả.
Ngoài ra, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chi phí tiền lương tại Vĩnh Phúc được đánh giá là cạnh tranh hơn các tỉnh khác do chi phí sinh hoạt hàng tháng của người lao động tại địa phương ở mức thấp.
Đặc biệt, theo đánh giá của ông Tomikazu Fukuda, Thống đốc tỉnh Tochigi, Vĩnh Phúc còn thu hút nhà đầu tư nhờ đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án và xuyên suốt quá trình hoạt động của dự án; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau cấp phép đầu tư cũng như trong quá trình doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.
“Đó là những yếu tố rất quan trọng làm nên sự khác biệt, giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”, ông Tomikazu Fukuda nhấn mạnh.
Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Tochigi (Nhật Bản) với tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy tìm hiểu hợp tác, đầu tư giữa hai địa phương giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch, tháng 12/2022, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức mời và đón tiếp ngài Thống đốc và đoàn công tác tỉnh Tochigi sang thăm chính thức tỉnh Vĩnh Phúc.
Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động, các sự kiện thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực giữa hai địa phương.
Đặc biệt, để làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn thành lập 1 khu công nghiệp của nhà đầu tư hạ tầng đến từ tỉnh Tochigi và đối tác nhằm thu hút các nhà đầu tư của Tochigi tới Vĩnh Phúc.