Trung Quốc vừa có động thái tăng cường các biện pháp an ninh quốc gia, bằng cách mở rộng việc bảo vệ bí mật nhà nước để bao hàm một phạm vi rộng gọi là “bí mật công tác”.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin vào hôm thứ Ba tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt bút ký luật sửa đổi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Luật sửa đổi này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại một cuộc họp trước đó cùng ngày.
Có hiệu lực từ ngày 1/5, các quy định mới mở rộng áp dụng các biện pháp phòng ngừa - vốn trước đây chỉ dùng cho bí mật nhà nước - sang những thông tin được gọi là bí mật công tác. Luật sửa đổi đưa ra một định nghĩa rộng, theo đó bí mật công tác là thông tin sẽ gây ra “tác động bất lợi” nếu bị rò rỉ và cho biết các biện pháp cụ thể sẽ được công bố riêng.
Chuyên gia cấp cao Jeremy Daum thuộc Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai, Trường Luật, Đại học Yale, cho rằng điều luật về bí mật công tác là “vấn đề lớn nhất” trong luật sửa đổi nói trên. “Rủi ro ở đây là các cơ quan khác nhau sẽ quá hăng hái trong việc đưa các thông tin vào diện ‘bí mật công tác’”, ông Daum nói.
Năm ngoái, các luật mới của Trung Quốc về phản gián và chính sách đối ngoại cũng bao gồm những cụm từ mang tính chất chung chung như “bí mật nhà nước”. Nhưng cụm từ này có mức độ phụ thuộc lớn và sự diễn giải của cơ quan chức năng. Các quy định khác về những dạng dữ liệu mà doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc có thể chuyển khỏi nước này cũng chưa có sự giải thích rõ ràng và chính thức về những dữ liệu nào là quan trọng và là đối tượng của việc hạn chế.
“Đối với doanh nghiệp nước ngoài, sự thiếu rõ ràng này sẽ tiếp tục là một rủi ro khó lường khi họ hoạt động ở Trung Quốc”, ông Daum nhận định. “Việc bổ sung bí mật công tác, và việc đề cập đến thông tin trở thành bí mật chỉ sau khi được gộp chung lại với các thông tin khác, tất cả đều dẫn tới mối lo ngại rằng một ai đó có thể vô tình vi phạm thông tin mật. Tuy nhiên trên thực tế, việc bảo vệ bí mật nhà nước ở Trung Quốc trước đây đã được mở rộng để bao gồm cả những tình huống tưởng chừng như không có gì nghiêm trọng, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục hoạt động ở nước này”.
Luật bí mật nhà nước sửa đổi của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nước này và Mỹ ngày càng dựa vào vấn đề an ninh quốc gia khi công bố các hạn chế kinh doanh mới.
“Luật mới của Trung Quốc sẽ là gia tăng cảm giác chung trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở nước này rằng vấn đề an ninh quốc gia đã khiến cho môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn”, Giám đốc điều hành Gabriel Wildau của công ty tư vấn Teneo nhận định. “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng luật bí mật nhà nước là một trở ngại nữa”.
Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn luật bảo vệ bí mật nhà nước sửa đổi diễn ra sau một đợt rà soát để sửa đổi luật này vào tháng 10 năm ngoái. Luật bảo vệ bí mật nhà nước của Trung Quốc ra đời năm 1988.
Quốc hội Trung Quốc sẽ khởi động kỳ họp thường niên vào tuần tới. Tại kỳ họp này, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ công bố các kế hoạch và báo cáo triển vọng kinh tế, cũng như các chính sách quan trọng của quốc gia.