Ngày 22/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I.
Thông tin tại phiên họp này, trong quý I, tỉnh này có thêm 3 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 68 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 15 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận.
KINH TẾ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 13 đơn vị cấp huyện, 363/465 xã, 717 thôn bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 479 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 479 sản phẩm OCOP.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng của Thanh Hóa đạt kết quả tích cực. Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh duy trì tốt hoạt động sản xuất, bắt đầu thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất đặc thù, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thủy điện, nhiệt điện, xi măng... sản xuất xuyên tết. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 20% so với cùng kỳ.
Các ngành dịch vụ của Thanh Hóa đạt kết quả nổi bật, nhất là giá trị xuất khẩu tăng 40,1%. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 4 năm. Trong quý, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ cũng tăng 10,3%, tổng lượng khách du lịch tăng 10%, doanh thu du lịch tăng 16,5%, vận chuyển hành khách tăng 11,3%...
Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I ước đạt 13.356 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, tăng 31,5% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 8.656 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán, tăng 46%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán, tăng 11,1%.
Huy động vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 31.681 tỷ đồng, bằng 23,5% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tính đến ngày 14/3/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 4 dự án FDI), tăng 75,5% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.419 tỷ đồng và 60,6 triệu USD.
THIẾU VẮNG NHÀ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CÔNG NGHIỆP
Ngoài những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế trên một số lĩnh vực.
Trong đó, đáng chú ý là kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) chuyển biến chậm; sản lượng khai thác thủy sản giảm 2% so với cùng kỳ.
Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa còn chậm, một số khu công nghiệp được quy hoạch trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng, như: Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành... ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở các địa phương tại Thanh Hóa nhưng chưa được xử lý triệt để. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương còn kéo dài...
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cũng được các đại biểu dự phiên họp phân tích, chỉ rõ như: Tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Một số quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của Nhà nước còn thiếu sự thống nhất, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị tỉnh này chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch; năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn còn yếu. Một số tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định về khai thác khoáng sản.
KHẨN TRƯƠNG SÁT NHẬP HUYỆN ĐÔNG SƠN VÀO THÀNH PHỐ THANH HÓA
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thành các nội dung liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 – 2025; Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình duyệt theo quy định. Các đơn vị, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024.
Tiếp đó, phiên họp nghe và cho ý kiến vào 2 đề án do Sở Nội vụ trình bày, gồm: Đề án thành lập thị trấn Hà Long và thị trấn Hà Lĩnh thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; Đề án sát nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn thống nhất với nội dung của Đề án, ông Tuấn yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và chú ý rà soát lại các số liệu một lần nữa. Hoàn thiện lại Đề án, trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét thông qua để báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong kỳ họp tới.