May 05, 2025 | 16:39 GMT+7

Giá vàng giảm sau kỳ nghỉ lễ, giao dịch quanh mốc 120 triệu đồng/lượng

Phan Linh -

Ngày 5/5, giá vàng miếng SJC liên tục đảo chiều khi tăng nhẹ 500 nghìn đồng ngay sau nhịp giảm 1,5 triệu đồng/lượng trong phiên sáng...

Giá vàng giảm nhẹ so với trước kỳ nghỉ lễ
Giá vàng giảm nhẹ so với trước kỳ nghỉ lễ

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 117,8 triệu đồng/lượng mua vào và 119,8 triệu đồng/lượng bán ra; giảm 1,5 triệu đồng đối với cả hai chiều so với chốt phiên trước kỳ nghỉ lễ (29/4). Tuy nhiên chỉ sau 3 tiếng mở cửa, giá vàng miếng đã tăng thêm 500 nghìn ở cả hai chiều, niêm yết tại 118,3 triệu – 120,3 triệu đồng/lượng và tiếp tục duy trì sang phiên chiều.

Các thương hiệu khác như DOJI , PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Mi Hồng đều niêm yết giá vàng miếng nương theo Công ty SJC, với giá mua trong khoảng từ 118,3 – 118,8 triệu đồng và giá bán ra là 120,3 triệu đồng.

Phú Quý cũng đưa giá bán vàng miếng SJC về mức chung của thị trường là 120,3 triệu đồng mỗi lượng nhưng giá mua vào lại thấp hơn mặt bằng chung. Tính đến 15h ngày 5/5, thương hiệu này niêm yết giá giao dịch vàng miếng ở mức 117,3 triệu – 120,3 triệu đồng (mua vào/bán ra), tăng 500 nghìn ở cả hai chiều so với giá chốt phiên sáng.

Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trong phiên 5/5 Nguồn: VnEconomy tổng hợp và tính toán từ bảng giá các thương hiệu  
Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trong phiên 5/5
Nguồn: VnEconomy tổng hợp và tính toán từ bảng giá các thương hiệu  

Ngọc Thẩm niêm yết giá giao dịch vàng miếng SJC về mức thấp hơn so với mặt bằng chung. Cụ thể, sau khi giảm 1 triệu ở cả hai chiều trong phiên sáng, tính đến 15h ngày 5/5, giá vàng miếng tại thương hiệu này tăng nhẹ thêm 200 nghìn đồng ở cả hai chiều, niêm yết tại 117,5 triệu – 120 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

So với giá chốt phiên trước dịp nghỉ lễ (29/4), giá mua/bán vàng miếng SJC chỉ giảm nhẹ gần 0,1%. Tuy nhiên, mức giá giao dịch trên đã tăng tới hơn 3% trong vòng 3 tháng qua và tăng 4,28% kể từ tháng 12 năm 2024.

 

Cập nhật lúc 15h ngày 5/5, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tiếp tục tăng gần 0,8% so với phiên hôm qua (4/5), tương đương với mức tăng 24 USD/oz, tiến lên mốc 3.263 USD/oz.

Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (đã bao gồm thuế và phí...), chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới phổ biến ở mức 16,29 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng nhẫn “4 số 9” tại từng thương hiệu cao hơn giá vàng thế giới từ 10,99 triệu – 14,79 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn tại Ngọc Thẩm và giá thế giới chỉ bằng một nửa so với các thương hiệu còn lại, ở mức 5,99 triệu đồng mỗi lượng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/5, giá giao dịch vàng nhẫn cũng theo sát diễn biến giá vàng miếng nhưng biên độ giá có phần phân hoá.

Mở cửa phiên sáng, Công ty SJC niêm yết giá mua/bán vàng nhẫn ở mức 112,5 triệu – 115 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua và chiều bán. Tính đến 15h ngày 5/5, thương hiệu này vẫn duy trì mức giá giao dịch trên với chênh lệch giá mua, bán là 2,5 triệu đồng.

Tương tự Công ty SJC, Công ty PNJ cũng niêm giá mua/bán vàng nhẫn ở mức mức 112,5 triệu – 115 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn giảm 1,5 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua và bán.

Cùng mức giảm trên, DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 112,5 triệu đồng/lượng đối với chiều mua và 115,4 triệu đồng/lượng đối với chiều bán. Chênh lệch giá mua, bán vàng nhẫn ở thương hiệu này là 2,9 triệu đồng/lượng.

Tại khu vực phía Nam, mở cửa phiên sáng, Mi Hồng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 113,5 triệu đồng/lượng mua vào và 115 triệu đồng/lượng bán ra, giảm lần lượt 500 nghìn đồng và 1 triệu đồng (chiều mua/ chiều bán) so với giá chốt phiên 29/4.

Tính đến 15h ngày 5/5, dù thương hiệu này ghi nhận 1 lần điều chỉnh tăng nhưng nhịp giảm mạnh ngay sau đó đã kéo giá vàng nhẫn quay về mức mở cửa phiên là 113,5 triệu – 115 triệu đồng/lượng. Đây cũng là thương hiệu ghi nhận mức điều giảm khiêm tốn nhất nhưng chênh lệch giá mua, bán ở mức thấp nhất toàn thị trường là 1,5 triệu đồng mỗi lượng.

Giá giao dịch vàng nhẫn tại các thương hiệu trong phiên 5/5 Nguồn: VnEconomy tổng hợp từ các doanh nghiệp  
Giá giao dịch vàng nhẫn tại các thương hiệu trong phiên 5/5
Nguồn: VnEconomy tổng hợp từ các doanh nghiệp  

Phú Quý và Ngọc Thẩm là hai thương hiệu điều chỉnh giảm giá giao dịch vàng nhẫn mạnh nhất. Mở cửa phiên sáng, Phú Quý niêm yết giá mua vào vàng nhẫn ở mức 113 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức 116 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng đối với cả chiều mua và chiều bán.

Cập nhật lúc 15h ngày 5/5, giá giao dịch vàng nhẫn tại thương hiệu này vẫn duy trì trong mức 113 triệu – 116 triệu đồng/lượng (mua vào/ bán ra). Chênh lệch giá mua, bán vàng nhẫn ở thương hiệu này trên là 3 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá giao dịch vàng nhẫn tại Ngọc Thẩm thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung từ 5 đến 6 triệu đồng. Cụ thể, tính đến 15h ngày 5/5, thương hiệu này niêm yết giá mua vào vàng nhẫn ở mức 107,5 triệu đồng trong khi giá bán ra là 110 triệu đồng, giảm 2 triệu đồng đối với chiều mua và giảm 2,5 triệu đồng đối với chiều bán so với giá chốt phiên 29/4.

Ngược lại, Bảo Tín Minh Châu ghi nhận giá giao dịch vàng nhẫn cao nhất thị trường. Đóng cửa phiên sáng, thương hiệu này niêm yết giá mua/bán đối với sản phẩm nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long ở mức 116,2 triệu – 119,2 triệu đồng/lượng, giảm 900 nghìn đồng ở cả hai chiều mua và chiều bán.

Cập nhật lúc 15h ngày 5/5, giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu tiếp tục giảm thêm 400 nghìn đồng đối với cả hai chiều mua/bán, niêm yết ở mức 115,8 triêu – 118,8 triệu đồng/lượng. 

Tương tự mức giảm trên, Bảo Tín Mạnh Hải cũng niêm yết giá mua/bán đối với sản phẩm nhẫn ép vỉ Kim Gia Bảo ở mức 115,85 triêu – 118,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua, bán vàng nhẫn ở Bảo Tín Mạnh Hải là 2,95 triệu đồng/lượng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate