Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/10), đảo ngược phiên lập kỷ lục trước đó, khi xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý. Dù vậy, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa phiên New York, giá vàng giao ngay giảm 33,6 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm 1,22%, chốt ở mức 2.715,8 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm gần 8h sáng nay (24/10) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 6,2 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, tương đương tăng 0,23%, giao dịch ở mức 2.722 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 83,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Đầu giờ sáng nay, Vietcombank báo giá USD ở mức 25.190 đồng (mua vào) và 25.462 đồng (bán ra), giá mua tăng 118 đồng nhưng giá bán không thay đổi so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
“Một số nhà đầu tư chốt lời sau khi giá vàng lập kỷ lục. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng. Vàng sẽ khó tăng giá lên mức cao hơn xét tới xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu”, chiến lược gia cấp cao Bob Haberkorn của công ty RJO Futures nhận định với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, ông Haberkorn cho rằng giá vàng hoàn toàn có khả năng đạt tới mốc 2.800 USD/oz vào cuối tuần này nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro.
Vào đỉnh điểm của phiên ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4,25%, đạt mức cao nhất kể từ hôm 26/7. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục tăng trong khoảng 1 tháng trở lại đây, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
Một số phân tích cho rằng các số liệu thống kê gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vững vàng là nguyên nhân chính khiến lợi suất trái phiếu tăng, vì nền kinh tế còn mạnh đồng nghĩa Fed sẽ phải giảm bớt tốc độ hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng lợi suất trái phiếu tăng do khả năng cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử, bởi các chính sách của ông Trump có thể khiến cho thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng mạnh hơn so với trong trường hợp bà Harris trúng cử.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác - gồm euro, franc Thụy Sỹ, krona Thụy Điển, bảng Anh, yên Nhật và đôla Canada - tăng 0,3%, đạt mức cao nhất 3 tháng. Chỉ số chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 104,43 điểm và sáng nay tiếp tục dao động quanh mốc 104,4 điểm - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
“Những bất định liên quan tới bầu cử ở Mỹ và gánh nặng nợ nần của Chính phủ Mỹ đang là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá vàng tăng gần đây. Mỹ phải phát hành nhiều tỷ USD nợ, ngay trước thềm bầu cử, giữa lúc thị trường giao dịch tương đối thưa thớt và cảm giác bất an bao trùm”, trưởng chiến lược Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận định.
Ông Hansen cho rằng xu hướng tăng của vàng cho thấy nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho kịch bản một “làn sóng đỏ” xuất hiện trong cuộc bầu cử ngày 5/11 ở Mỹ. Đó là kịch bản mà Đảng Cộng hòa của ông Tru p giành quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội Mỹ. “Kịch bản này làm dấy lên mối lo ngại về chi tiêu công quá mức, đẩy tỷ lệ nợ công so với GDP tăng cao và lạm phát tăng theo”, chiến lược gia nói.
Ngoài ra, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Ngày thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có những nỗ lực nhằm giảm bớt các cuộc giao tranh giữa lực lượng của Israel và các nhóm phiến quân Hamas và Hezbollah. Tuy nhiên, Israel vẫn tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhằm vào thành phố cảng Tyre của Lebanon.