Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai rồi lại tăng nhẹ trong sáng nay (29/10), do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD tiếp tục đà tăng, gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý. Tuần này, giá vàng có thể biến động do một loạt số liệu kinh tế mới của Mỹ có khả năng sẽ định hình lại kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Lúc đóng cửa phiên đầu tuần tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 6,9 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm 0,25%, còn 2.741,8 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 4,1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,15%, giao dịch ở mức 2.746,9 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 84,3 triệu đồng/lượng.
Đầu giờ sáng, Vietcombank báo giá USD ở mức 25.164 đồng (mua vào) và 25.464 đồng (bán ra), giảm 3 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt mức cao nhất 3 tháng trong phiên ngày thứ Hai. Trong đó, lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản, đạt 4,274%, cao nhất kể từ tháng 7. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 3 điểm cơ bản, đạt 4,131%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt chốt phiên ở mức 104,32 điểm, tăng nhẹ so với mức chốt của tuần trước. Trong phiên, có lúc chỉ số đạt 104,55 điểm, cao nhất từ cuối tháng 7.
Giới phân tích cho rằng tuần này có thể xảy ra nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường vàng, một phần vì đây là tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 7/11.
Tuần này còn có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, gồm báo cáo sơ bộ về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 dự kiến công bố vào ngày thứ Tư; báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - vào ngày thứ Năm; và báo cáo việc làm phi nông nghiệp vào ngày thứ Sáu.
Tất cả những số liệu này đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới đường đi lãi suất của Fed trong thời gian tới, từ đó tác động tới giá vàng.
Nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị ở Trung Đông đã giảm bớt trong phiên ngày thứ Hai, khi căng thẳng có chiều hướng dịu đi. Trong các cuộc không kích Iran vào cuối tuần vừa rồi, Israel đã không nhằm vào các cơ sở dầu lửa của nước này như lo sợ trước đó.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá vàng vẫn có khả năng tăng mạnh trong tuần này.
“Tôi cho rằng mục tiêu 2.800 USD/oz của giá vàng là điều có thể đạt được trong tuần này. Kỳ vọng của chúng tôi là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ hạn chế nhu cầu bán vàng. Và bởi vậy, bất kỳ một chất xúc tác nào cho việc mua vàng cũng sẽ mang lại hiệu ứng lớn hơn”, chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của công ty TD Securities nhận định.
“Nhà đầu tư đang tranh thủ mỗi lần giảm của giá vàng để mua vào. Một số người muốn giá giảm hơn 200 USD/oz mới mua, nhưng như thế rất khó mua vì mỗi lần điều chỉnh nhẹ là người khác đã đổ xô mua”, nhà phân tích Rhona O’Connell của công ty StoneX nhận định.
Ông Ole Hansen - Giám đốc Chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo - cho rằng bất kể kết quả bầu cử Mỹ thế nào, nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục tăng, nên vàng sẽ còn được mua để phòng ngừa rủi ro nợ nần đó.
Nhà chiến lược này cũng nhấn mạnh rằng các đợt điều chỉnh của giá vàng từ đầu năm đến nay nhìn chung đều nông. “Các đợt điều chỉnh của giá vàng từ tháng 6 tới nay ghi nhận mức giảm bình quân 95 USD/oz, đợt mới nhất vào tháng 10 chỉ giảm 80 USD/oz. Tôi sẽ theo dõi hai mốc giá hỗ trợ quan trọng là 2.685 USD/oz và 2.666 USD/oz”, ông cho biết.