Hãng đồ hiệu Pháp Hermes tiếp tục đi ngược lại xu hướng suy giảm của ngành công nghiệp hàng xa xỉ toàn cầu, công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong lúc các hãng đối thủ lao đao vì doanh thu giảm sút.
Nhà sản xuất nổi tiếng với những chiếc khăn lụa và túi xách Birkin ngày 24/10 công bố doanh thu quý 3 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,7 tỷ euro. Mức doanh thu này nhỉnh hơn một chút so với con số bình quân dự báo 3,69 tỷ euro mà giới phân tích đưa ra - theo dữ liệu của LSEG.
Sau khi báo cáo tài chính của Hermes được công bố, giá cổ phiếu của hãng tăng hơn 2,3% trong phiên sáng tại thị trường Paris, đạt 2.109 euro/cổ phiếu, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 11%. Trái lại, cổ phiếu của hai “ông lớn” khác trong lĩnh vực hàng xa xỉ là LVMH và Kering - chủ sở hữu thương hiệu Gucci - đã giảm tương ứng 14% và 41% từ đầu năm, trong bối cảnh ngành đồ hiệu đương đầu với áp lực lớn vì nhu cầu tiêu dùng yếu đi, nhất là ở thị trường Trung Quốc.
Ngày 23/10, Kering cảnh báo lợi nhuận của hãng sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay do doanh thu của thương hiệu Gucci giảm mạnh.
So với các đối thủ, Hermes chống chọi tốt hơn với cuộc suy thoái toàn ngành vì hãng này nhắm đến đối tượng người tiêu dùng giàu có nhất - những người nằm trong danh sách dài chờ mua những chiếc túi xách có giá hàng chục nghìn USD của hãng.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng một số sản phẩm của Hermes cũng được lòng những khách hàng ít giàu hơn. Mức tăng trưởng doanh thu 20% mà Hermes có được trong quý 3 năm nay tại thị trường châu Âu không gồm Pháp được thúc đẩy bởi doanh số của các sản phẩm đồ dệt, đồ da và nước hoa.
Ông Eric du Halgouet, Phó chủ tịch phụ trách tài chính của Hermes, cho biết doanh thu tăng trưởng mạnh tại thị trường châu Âu chủ yếu là nhờ du khách đến từ Mỹ và Trung Đông, trong khi doanh thu từ khách Trung Quốc giảm nhẹ.
Nữ trang và đồng hồ - hai mặt hàng chiếm khoảng 40% doanh thu của thương hiệu Hermes - không đạt doanh thu như kỳ vọng. Trong đó, doanh thu từ đồng hồ giảm 18%, so với mức dự báo giảm 9%. Ông du Halgouet cho rằng điều này là bình thường sau khi doanh thu từ mảng đồng hồ của Hermes đã tăng trưởng mạnh mẽ trong mấy năm trước.
Bất chấp sự suy thoái của ngành đồ hiệu, các nhà phân tích kỳ vọng Hermès và hãng Prada của Italy - công ty dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính vào tuần tới - sẽ là hai cái tên tỏa sáng.
Hermes cho biết hãng giữ nguyên dự báo tăng trưởng doanh thu trong trung hạn bất chấp những trở ngại về địa chính trị và bất định về tỷ giá tiền tệ. Công ty đã tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất, tiếp thị và công nghệ thông tin, đồng thời tăng số lượng nhân viên và đưa ra kế hoạch tăng lương và trao cổ phần miễn phí cho nhân viên.
Hermes đã liên tục đạt kết quả kinh doanh vượt trội so với các đối thủ lớn trong ngành đồ hiệu Pháp như LVMH - chủ sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton và Dior - và Kering. LVMH đương đầu với tình trạng suy giảm doanh thu tại thị trường Trung Quốc trong quý 3, trong khi Kering đang loay hoay vực dậy Gucci.
Tăng trưởng doanh thu của LVMH và Kering tại thị trường Nhật Bản cũng giảm tốc trong quý 3 do đồng yên Nhật tăng giá trở lại - nguyên nhân khiến du khách tới Nhật ngại mua đồ hiệu hơn - nhưng doanh thu của Hermes tại Nhật vẫn tăng trưởng tốt.
“Không giống như các hãng đồ hiệu khác, Hermes ở Nhật chủ yếu phục vụ khách là người Nhật, nên ít bị ảnh hưởng hơn”, một báo cáo của ngân hàng Barclays cho biết.