Giá vàng thế giới giảm nhẹ dù căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông kích thích nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Gây áp lực giảm giá lên vàng là xu thế mạnh lên của đồng USD, khi nhà đầu tư giảm bớt đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chọn mức giảm lãi suất lớn trong cuộc họp tới.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (3/10) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 3 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm hơn 0,1%, còn 2.656,5 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm gần 8h sáng nay (4/10) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.656,9 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 79,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng thế giới quy đổi vẫn tăng là do tỷ giá USD/VND trong nước tăng theo tỷ giá USD trên thị trường quốc tế. Đầu giờ sáng nay, Vietcombank báo giá USD ở mức 24.550 đồng (mua vào) và 24.920 đồng (bán ra).
Tình hình địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục có những diễn biến đáng lo ngại mới. Hôm thứ Ba tuần này, thị trường đã hoảng sợ khi Iran phóng tên lửa đạn đạo vào Israel. Giờ đây, mối bất an càng tăng thêm khi Israel bắt đầu một chiến dịch trên bộ ở Lebanon.
Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu nắm giữ những tài sản được coi là “hầm trú ẩn” như vàng, USD, franc Thụy Sỹ, yên Nhật, trái phiếu kho bạc Mỹ … gia tăng. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá cũng đồng thời là một nguồn gây áp lực giảm giá lên vàng vì vàng được định giá bằng đồng tiền này. Hai yếu tố tác động trái chiều cùng lúc khiến giá vàng gần như đi ngang.
“Đang có một sự cân bằng tác động giữa những yếu tố gồm một bên là căng thẳng địa chính trị và một bên sự dịch chuyển trong kỳ vọng chính sách tiền tệ và sự tăng giá của đồng USD”, chiến lược gia cấp cao Peter A. Grant của công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu nhiều hơn một chút so với dự báo. Số liệu việc làm phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 sẽ được Bộ Lao động đưa ra vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ. Những con số này có thể định hình lại kỳ vọng của thị trường về mức giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc họp tháng 11.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch hiện chỉ còn đặt cược chưa đầy 33% vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, trong khi đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm đã tăng lên hơn 67%. Tuần trước, khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 11 là 49%.
Kỳ vọng vào mức giảm lãi suất lớn đã giảm xuống trong tuần này, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm thứ Hai tuyên bố Fed không vội vã trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Phát biểu này thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, nói cuộc chiến của Fed để đưa lạm phát về mục tiêu 2% có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn dự kiến, đồng nghĩa tốc độ giảm lãi suất có thể sẽ chậm.
“Nếu khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 11 tăng lên, giá vàng sẽ hưởng lợi. Ngược lại, giá vàng sẽ giảm”, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch kim loại quý của công ty High Ridge Futures, ông David Meger, nhận định.
Đồng USD tiếp tục đà tăng giá từ đầu tuần, với chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Năm ở mức 101,99 điểm. Trong 5 phiên trở lại đây, chỉ số này đã tăng hơn 1,5%.
Theo số liệu mới được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mua ròng vàng trong tháng 8, nhưng tốc độ mua đã chậm lại do giá cao. Lượng mua ròng của khối này trong tháng 8 là 8 tấn vàng, thấp nhất kể từ tháng 3 và giảm nhiều từ mức bình quân của kỳ 12 tháng là 33 tấn/tháng.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi chiếm 70% tổng lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 25% tổng lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Trong tháng 8, Ngân hàng Trung ương Ba Lan mua ròng vàng nhiều nhất, với lượng mua ròng 6 tấn, nâng mức nắm giữ lên 398 tấn. Nước này đã mua ròng vàng 5 tháng liên tiếp, với tổng lượng mua ròng đạt 39 tấn.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã mua ròng vàng trong 15 tháng không nghỉ, với lượng mua ròng của tháng 8 là 3 tấn. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương nước này mua ròng vàng nhiều nhất, với lượng mua ròng 52 tấn.