April 21, 2025 | 08:48 GMT+7

Giá vàng tăng dữ dội lên đỉnh mới, chuyên gia nói về 5 yếu tố hỗ trợ quan trọng

Điệp Vũ -

Một chuyên gia đã nêu rõ 5 yếu tố hỗ trợ quan trọng có thể đưa giá vàng lên tới 4.000-5.000 USD/oz trong vài năm tới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới sáng nay (21/4) lập kỷ lục mọi thời đại mới khi vừa khởi động tuần giao dịch mới tại thị trường châu Á do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư còn lớn. Một chuyên gia đã nêu rõ 5 yếu tố hỗ trợ quan trọng có thể đưa giá vàng lên tới 4.000-5.000 USD/oz trong vài năm tới.

Lúc gần 8h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 35,3 USD/oz so với đóng cửa tuần trước tại thị trường New York, tương đương tăng 1,06%, giao dịch ở mức 3.364,3 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 105,9 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm trên, báo giá USD trên website của Vietcombank là 25.730 đồng (mua vào) và 26.120 đồng (bán ra).

Trước đó, có lúc giá vàng vượt 3.370 USD/oz, phá vỡ kỷ lục thiết lập trong phiên ngày thứ Sáu tại Mỹ.

Giá vàng tăng dữ dội khi đồng USD khởi động tuần giao dịch mới trong trạng thái giảm mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm gần 0,8%, về dưới mức 98,6 điểm, thấp nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.

Ngoài ra, vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Tuần vừa rồi, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên khởi động đàm phán thương mại với Mỹ nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào. Nhiều nội dung thuế quan mà ông Trump đưa ra mới đang được tạm hoãn, và ông còn chủ trương sẽ áp thêm những thuế quan mới.

Trong một cuộc trao đổi gần đây với trang MarketWatch, chiến lược gia Aakash Doshi của công ty State Street Global Advisors nhận định rằng sự bấp bênh từ chính sách thuế quan của ông Trump chỉ là một trong 5 yếu tố hỗ trợ giá vàng ở thời điểm hiện nay. Theo ông Doshi, cũng chính những yếu tố này có thể đưa giá vàng lên mức 4.000 - 5.000 USD/oz trong vài năm tới “trong những điều kiện kinh tế vĩ mô nhất định” như đình lạm đi kèm với sự phi đôla hóa được đẩy mạnh.

Ông nêu rõ, yếu tố đầu tiên trong số 5 yếu tố trên là “phần bù bất định”. Thuế quan đối ứng mà ông Trump công bố hôm 2/4 đặt ra “một sự bất định lớn về kinh tế và vĩ mô đối với các nhà đầu tư vốn dĩ đã phải chật vật ứng phó với tình trạng suy giảm niềm tin tiêu dùng, sự thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) do rủi ro lạm phát cao hơn, và mức độ biến động cao hơn trên thị trường tài chính”.

Yếu tố thứ hai là khả năng “xu hướng phi đôla hóa tăng tốc”. “Chiến tranh thương mại toàn cầu có thể thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối theo hướng tăng dự trữ vàng mà ở đó các nền kinh tế rốt cục sẽ mua ít tài sản Mỹ hơn”, ông Doshi phát biểu. “Trong một trật tự thế giới mà chủ nghĩa bảo hộ chiếm ưu thế, các quốc gia có thể ưu tiên việc tăng dự trữ vàng trong nước”, ông nói và cho rằng việc này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mua vàng vì xem vàng là tài sản “có khả năng chứng kiến sự gia tăng nhu cầu từ các chính phủ - đối tượng người mua có khả năng chấp nhận mức giá cao hơn theo thời gian”.

Yếu tố thứ ba là rủi ro xảy ra suy thoái kinh tế hoặc tình trạng đình lạm - những kịch bản kinh tế có lợi cho giá vàng. Kim loại quý này có khuynh hướng tăng giá vượt trội trong những giai đoạn thị trường tài chính căng thẳng, nhất là khi xảy ra tình trạng thận trọng với rủi ro kéo dài.

Khả năng kinh tế Mỹ đình lạm sẽ đặc biệt hỗ trợ nhu cầu vàng vì môi trường “tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát cao và tăng trưởng việc làm yếu” đã chứng tỏ là động lực chính cho đợt tăng giá vàng hồi thập niên 1970 cho tới đầu những năm 1980, “và có thể sẽ đặc biệt có lợi cho giá vàng nếu trở thành hiện thực trong năm 2025/2026”.

Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Yếu tố thứ tư là vàng có thể được sử dụng như một biện pháp “phòng hộ biến động” - theo ông Doshi. Vàng là một “tài sản có mức độ biến dộng thấp thường có vị trí chiến lược trong các danh mục đầu tư nhằm giảm bớt tác động của những đợt bán tháo cổ phiếu”, vị chiến lược gia nói. Ông lưu ý rằng trong tháng 3 và tháng 4 này, vàng đã chứng tỏ được vai trò đó.

Và cuối cùng, giới đầu tư ưa chuộng vàng vì vàng là một tài sản có độ thanh khoản cao trên phạm vi toàn cầu. Nhưng chính yếu tố này cũng có thể đặt ra áp lực giảm giá lên vàng, vì tài sản này dễ bị bán đầu tiên khi nhà đầu tư có nhu cầu huy động tiền mặt hay tái cân bằng danh mục. Trên thực tế, hoạt động bán tháo vàng đã xảy ra khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh gần đây. Tuy nhiên, nhu cầu bắt đáy luôn xuất hiện nhanh chóng và đưa giá vàng trở lại xu hướng tăng.

“Thị trường vàng có thể sẽ có những đợt giảm 5-7% nhưng nhìn chung, triển vọng giá vàng vẫn nghiêng về tăng hơn là giảm. Và mỗi lần giá vàng giảm có thể là cơ hội để mua”, ông Doshi nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate