April 18, 2025 | 10:30 GMT+7

ECB hạ lãi suất, ông Trump phàn nàn vì Fed chưa hành động

An Huy -

Ông Trump phàn nàn rằng ông Powell “luôn chậm trễ và sai lầm”, thậm chí phát tín hiệu có thể sa thải ông Powell khỏi cương vị Chủ tịch Fed

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: CNBC.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 17/4 hạ lãi suất về mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, một động thái được cho là chuẩn bị để ứng phó với tác động kinh tế từ cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.

Mức giảm 0,25 điểm phần trăm đưa lãi suất tham chiếu của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) về mức 2,25%, thấp nhất kể từ năm 2023. Mức lãi suất cao nhất của ECB trước khi bước vào chu kỳ nới lỏng này là 4%, duy trì từ giữa năm 2023 cho tới tháng 6 năm ngoái. Kể từ lần giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6/2024 đến nay, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Frankfurt đã có 7 lần hạ lãi suất.

Đợt giảm lãi suất này của ECB đã được thị trường dự báo gần như chắc chắn sau khi ông Trump áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào hôm 2/4.

Trước khi quyết định giảm lãi suất của ECB được công bố, ông Trump đã lên mạng xã hội Truth Social để so sánh lịch sử giảm lãi suất trong thời gian gần đây giữa ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi ECB đã có 3 lần hạ lãi suất từ đầu năm tới nay, vào tháng 1, tháng 3 và ngày 17/4, Fed đã “án binh bất động” kể từ sau lần giảm vào tháng 12 năm ngoái.

Hôm 16/4, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng thuế quan có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng trong ngắn hạn và đặt ra thách thức đối với công tác hoạch định chính sách tiền tệ. Trong một bài đăng ngày 17/4 trên Truth Social, ông Trump phàn nàn rằng ông Powell “luôn chậm trễ và sai lầm”, thậm chí phát tín hiệu có thể sa thải ông Powell khỏi cương vị người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ.

“Việc sa thải ông Powell không thể diễn ra đủ nhanh!” ông Trump viết.

Theo dữ liệu từ thị trường hoán đổi lãi suất trước khi quyết định lãi suất ngày 17/4 của ECB được công bố, các nhà giao dịch đặt cược rằng sau lần giảm này, ECB sẽ có thêm ít nhất hai lần giảm lãi suất nữa trong năm nay.

Dù ông Trump đã hoãn thuế suất cao hơn của thuế đối ứng trong 90 ngày, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của eurozone vẫn lo ngại rằng các chính sách bảo hộ của chính quyền Trump 2.0 sẽ gây ra một cú sốc đối với nền kinh tế khu vực. Dù là đồng minh của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) bị ông Trump áp thuế quan đối ứng 20%.

Từ trước khi thuế đối ứng được công bố, eurozone đã đối mặt với tình trạng tăng trưởng ảm đạm. Hồi tháng 3, ECB giảm dự báo tăng trưởng khu vực lần thứ 6 liên tiếp, cho rằng kinh tế eurozone chỉ đạt mức tăng 0,9% trong năm nay. Tuy nhiên, với áp lực giảm phát dịu đi, ECB có dư địa để liên tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Lạm phát ở eurozone trong tháng 3 là 2,2%, chỉ còn cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của ECB, nhờ giá dịch vụ tăng chậm nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Giới chuyên gia nhận định lạm phát ở eurozone có thể tiếp tục giảm trong tháng này do giá dầu giảm, đồng euro tăng giá so với USD, và khả năng xuất hiện một làn sóng mới hàng hóa Trung Quốc mới chảy vào châu Âu. Cả ba diễn biến này đều được xem một phần xuất phát từ chính sách thương mại của ông Trump.

Dù vậy, kế hoạch vay nợ để chi tiêu của chính phủ liên minh đang được thành lập ở Đức và một số nước eurozone khác có thể làm gia tăng áp lực lạm phát ở khu vực trong thời gian tới.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 17/4, Chủ tịch ECB Christine Lagarde bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Powell, nói rằng bà “dành sự kính trọng lớn cho người đồng nghiệp đáng kính và người bạn này”. Chủ tịch ECB từ chối bình luận về sự chỉ trích mà ông Trump nhằm vào ông Powell nhưng nói rằng sự độc lập của ngân hàng trung ương là nguyên tắc căn bản trong eurozone, và mối quan hệ tốt đẹp giữa ECB và Fed là một trụ cột của ổn định tài chính toàn cầu.

Về phần mình, ông Powell vẫn nói rằng ông có ý định phục vụ tới hết nhiệm kỳ Chủ tịch Fed, và vào ngày 17/4, ông khẳng định sự độc lập của Fed trong việc thiết lập lãi suất theo cách mà Fed thấy phù hợp là “một vấn đề luật pháp”. “Chúng tôi sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ áp lực chính trị nào. Ai muốn nói gì cứ nói… nhưng chúng tôi sẽ làm công việc của mình một cách nghiêm túc mà không tính đến bất kỳ yếu tố chính trị hay yếu tố bên ngoài nào khác”, ông nói tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate