Sau một năm giá vàng tăng vọt, các nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ tiếp tục đau đầu vì kim loại quý. Một năm trước, các nhóm thu mua đã mua vàng với giá khoảng 2.300 USD một ounce, giờ đây con số này là khoảng 3.300 USD một ounce, tăng 40%. Với thị trường chứng khoán vẫn còn biến động, ít nhà phân tích nào dám dự báo thị trường sẽ có sự cải thiện trong tương lai gần.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ, năm ngoái, đồng hồ được làm bằng kim loại quý, bao gồm các vật liệu như bạch kim, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ theo giá trị nhưng chỉ chiếm 2,7% theo khối lượng. Để bù đắp, nhiều thương hiệu đã chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng.

Theo Financial Times, Rolex, nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, đã tăng giá đồng hồ vàng của mình thêm 8% vào đầu năm nay, sau hai lần tăng giá vào năm 2024. Đợt tăng giá tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới. Những hãng khác thì đã cắt giảm mạnh hàng tồn kho, rút hàng trăm mẫu đồng hồ vàng khỏi thị trường.
Trong khi đó, các thương hiệu nhỏ cũng đang nỗ lực. "Chúng tôi vẫn đang sử dụng vàng đã mua vào từ năm ngoái," Edouard Meylan, giám đốc điều hành của hãng đồng hồ Thụy Sĩ độc lập H Moser & Cie, cho biết. “Chúng tôi cố gắng không sử dụng vàng ở những thiết kế hay bộ phận không cần thiết vì hiện tại đồng hồ vàng có rủi ro cao nhất với biên độ lợi nhuận thấp nhất”, ông Meylan nói. “Thay vào đó, chúng tôi đang tập trung vào thiết kế những mẫu đồng hồ bằng thép và gốm sứ”.
Romain Marietta, giám đốc sản phẩm tại Zenith, một trong những nhà sản xuất đồng hồ xa xỉ Thụy Sĩ của LVMH, cho biết hãng giờ đây đang chuyển hướng phát triển các mẫu đồng hồ sử dụng kim loại như bạch kim và tantalum. Đây là hai vật liệu hiếm hơn vàng và khó gia công hơn.
Tuy nhiên, chúng có thể giúp tăng biên lợi nhuận. Sản phẩm chính mà thương hiệu ra mắt vào mùa xuân năm nay là mẫu GFJ Calibre 135. Đây là phiên bản giới hạn chỉ 160 chiếc, làm từ bạch kim. Nếu khách hàng chọn thêm dây đeo bạch kim, giá bán có thể lên tới gần 100.000 USD.

Oliver Müller, người sáng lập công ty tư vấn xa xỉ LuxeConsult tại Thụy Sĩ, cho biết chi phí thực tế mà các thương hiệu phải chịu còn cao hơn tưởng tượng. Một chiếc vỏ đồng hồ vàng thường được cắt gọt từ một thỏi vàng nặng gấp năm lần so với sản phẩm hoàn thiện. Phần vàng thừa vẫn có giá trị và có thể tái chế, nhưng chi phí đầu vào rất lớn.
“Các thương hiệu không chỉ đối mặt với giá nguyên liệu tăng mà còn chịu thêm chi phí tài chính ngày càng cao. Điều này ảnh hưởng rõ rệt đến dòng tiền của họ”, ông Oliver Müller cho biết thêm.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng các thương hiệu sẽ cần tập trung vào việc đổi mới xung quanh các kim loại quý khác hoặc thậm chí là vật liệu mới. Một giải pháp là thay thế kim loại quý bằng các chất liệu khác. Tuy nhiên, nếu chọn hướng này, các thương hiệu có thể mất thị phần ở phân khúc cao cấp. Đây vẫn là phân khúc mạnh nhất hiện nay.
Một lựa chọn khác là giảm lượng vàng trong sản phẩm. Ví dụ, có thể thay đổi cách sản xuất linh kiện để tiết kiệm nguyên liệu. Điều này giúp giảm áp lực lên dòng tiền.
Một xu hướng khá phổ biến hiện nay là kết hợp những chiếc đồng hồ vàng quý giá với dây đeo cao su thể thao. Tinh thần táo bạo này, hay còn được gọi là “nghệ thuật kết hợp”, đã được Hublot tiên phong chứng minh rằng hoàn toàn khả thi. Dòng Classic Fusion của hãng bao gồm các sản phẩm có vành bezel nạm kim cương kết hợp dây cao su, trong khi đồng hồ Big Bang tích hợp dây đeo cao su với các vật liệu vỏ như Magic Gold độc quyền của hãng, sapphire, carbon và gốm sứ màu sắc rực rỡ.

Theo SCMP, giống như hầu hết các ý tưởng về vật liệu mới làm rung chuyển toàn ngành, hiện rất nhiều thương hiệu đồng hồ cao cấp đã “để mắt” đến ý tưởng này, từ Patek Philippe – hãng cung cấp các mẫu có dây đeo “composite” – Richard Mille và IWC Schaffhausen, đến Chanel.
Hermès cũng đã ra mắt chiếc đồng hồ Cut dành cho phụ nữ tại Watches and Wonders năm ngoái. Với kích thước 36mm, phong cách thể thao-sang trọng đi kèm với lựa chọn tám dây đeo cao su màu sáng lấy cảm hứng từ bảng màu Hermès. Các dây đeo cũng có thể thay đổi với vòng đeo tay bằng kim loại. Thương hiệu này cho biết mẫu sản phẩm này đã được đón nhận nồng nhiệt.
Julian Farren-Price, giám đốc nhà bán lẻ đồng hồ xa xỉ đa thương hiệu J Farren-Price, cho biết quyết định tìm đến loại vật liêu này cho dây đeo là một "nước cờ sáng suốt". “Trên thực tế, dây đeo cao su màu đã trở nên rất thời trang và thương hiệu thì có có hội giảm sử dụng vàng cho các mẫu đồng hồ của mình,” ông nói.
Nhà bán lẻ đồng hồ chuyên nghiệp The Hour Glass viết trong một bài đăng trên trang web của mình rằng hầu hết các thương hiệu đã làm việc với các nhà cung cấp để đưa vật liệu mới vào dây đeo cao su của mình, để làm cho chúng cực kỳ bền.
Ông cũng chỉ ra sự ra đời của hệ thống dây đeo có thể thay thế như một ví dụ khác về việc linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu: các nhà đầu tư có thể vẫn mua đồng hồ “full” vàng, còn những người tiêu dùng thì có thể chấp nhận mức giá hợp lý hơn khi các kim loại quý được sử dụng ít đi. “Một ví dụ điển hình là Vacheron Constantin Overseas. Các mẫu đồng hồ đeo tay của họ giờ đây thường xuyên đi kèm với dây đeo bằng cao su và da cá sấu, tạo nên ba cơ hội lựa chọn trong một”.

Dù vậy, không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng thay đổi. Những người muốn đầu tư thường vẫn chọn đồng hồ vàng và không bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn thay thế. Tại Watches and Wonders năm nay, đồng hồ vàng vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ mẫu Piaget Sixtie hình thang mới đến mẫu Cubitus bằng vàng hồng mới được bàn tán nhiều của Patek Philippe và mẫu 1908 của Rolex với dây đeo Settimo bằng vàng 18k...
Vậy đồng hồ vàng tượng trưng cho điều gì vào năm 2025? Lợi nhuận, chắc chắn rồi. Với giá vàng ngày càng tăng, giới sưu tầm ngày nay không còn nhìn đồng hồ đơn thuần là biểu tượng địa vị, mà còn là tài sản có giá trị, thậm chí có khả năng sinh lời vượt trội thể hiện dưới nhiều hình thức.