Giá vàng thế giới nhích nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (11/7) cũng tăng nhẹ, duy trì xu hướng ổn định quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu báo giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,08 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 70.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 55,72 triệu đồng/lượng và 56,62 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 10.000 đồng/lượng và 60.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,5 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.927,3 USD/oz, tăng 1,2 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại New York - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 55,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD/oz, chốt ở 1.926,1 USD/oz.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang chênh cao hơn khoảng 11,8 triệu đồng/lượng, còn giá sản phẩm vàng 999,9 khác chênh khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.
Vàng chững giá do nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư, tiếp theo là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm. Các dữ liệu này sẽ phác ra một bức tranh cụ thể hơn về đường đi của lạm phát, từ đó giúp nhà đầu tư căn chỉnh các kỳ vọng về lãi suất của Fed, phản ánh vào giá các tài sản trong đó có vàng.
Thị trường hiện đang kỳ vọng gần như chắc chắn Fed tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 25-26/7, nhưng còn tranh cãi về việc Fed sẽ làm gì trong cuộc họp tháng 9. Các số liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây, bao gồm số liệu việc làm, cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu yếu đi do nỗ lực chống lạm phát của Fed, nhưng chưa giảm tốc nhanh tới mức đủ để lạm phát nhanh chóng hạ về mục tiêu 2%.
Vàng chịu áp lực giảm từ việc Fed có thể tăng lãi suất vào cuối tháng này, nhưng kỳ vọng rằng Fed sắp đến lúc kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ là một nhân tố hỗ trợ giá vàng, giúp giá kim loại quý này tránh khỏi nguy cơ giảm sâu hơn. Tuy nhiên, tất cả sẽ tuỳ thuộc nhiều vào các số liệu lạm phát sắp tới từ Mỹ.
“Giá vàng đang có sự hỗ trợ mạnh ở mức 1.900 USD/oz trên đồ thị kỹ thuật. Nếu lạm phát còn cao, giá vàng có thể giảm dưới mốc này, nhanh chóng trượt về 1.848 USD/oz”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco News nhận định.
Giá vàng hiện đã giảm hơn 7% từ mức gần kỷ lục thiết lập hồi đầu tháng 5. Ở thời điểm đó, giá vàng vượt 2.000 USD/oz khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể chuyển sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Hiện tại, kỳ vọng đó không còn.
“Hình thái kỹ thuật hiện tại của thị trường vàng vẫn đang chỉ báo về một thị trường giá xuống. Tôi cho rằng chỉ có bất ổn địa chính trị leo thang mới có thể đẩy giá vàng tăng cao hơn nhiều”, ông Wyckoff nói.
Đồng USD giảm giá mạnh mấy ngày gần đây cũng không thể giúp giá vàng bứt phá. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay giảm còn 101,8 điểm, thấp nhất 3 tuần, từ mức 102,3 điểm chốt tuần trước. Trong vòng 5 phiên trở lại đây, chỉ số đã giảm 1,2% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Trao đổi với MarketWatch, nhà phân tích Tim Waterer của KCM Trade nói rằng kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong tháng 7 “khiến khả năng tăng giá của vàng trong ngắn hạn bị kìm hãm”.
“Lãi suất của Fed sẽ như thế nào trong thời gian từ tháng 8 đến cuối năm vẫn là một câu hỏi ngỏ. Tình hình lạm phát sẽ là cơ sở để thị trường điều chỉnh các kỳ vọng”, ông Waterer nói.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.485 đồng (mua vào) và 23.825 đồng (bán ra), tăng 15 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.