Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất 2 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng giảm do một báo cáo lạm phát quan trọng củng cố khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay (23/12) giảm khỏi kỷ lục thiết lập vào hôm qua, có nơi không duy trì được ngưỡng 77 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn cao hơn giá quốc tế gần 17 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa phiên đêm qua, giá vàng giao tháng 12 tại thị trường New York tăng 14,1 USD/oz, tương đương tăng gần 0,7%, chốt ở mức 2.053,2 USD/oz - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của hợp đồng vàng giao tháng 12 kể từ tuần đầu của tháng này. Tính cả tuần, giá vàng thế giới tăng khoảng 2%.
“Giá kim loại quý, trong đó có vàng, đang được thúc đẩy bởi các kỳ vọng cắt giảm lãi suất rất mạnh mẽ, khi thị trường tin là Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 3 và sẽ giảm tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong nói với hãng tin Reuters.
Giới đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất từ tháng 3 sau khi số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy áp lực giá cả tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục giảm.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy PCE lõi tăng chỉ 0,1% trong tháng 11 so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong một cuộc khảo sát do hãng tin Dow Jones thực hiện trước đó, các nhà kinh tế học dự báo mức tăng 0,1% trong tháng và 3,3% cả năm.
PCE toàn phần thậm chí giảm 0,1% so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong vòng 2 năm rưỡi. So với cùng kỳ năm 2022, PCE toàn phần tăng 2,6%, so với mức tăng 2,9% ghi nhận trong tháng 10.
Sau khi báo cáo trên được công bố, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng. Lúc chốt phiên, chỉ số dừng ở mức 101,7 điểm, giảm 0,13% so với phiên trước và giảm 0,82% trong tuần này - theo MarketWatch.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục dao động quanh ngưỡng 3,9%, thấp nhất 5 tháng.
Chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. “Sự bứt phá kỹ thuật gần đây có thể đẩy giá vàng lên ngưỡng 2.100 USD/oz. Giá vàng sẽ kiểm thử các mức cao gần đây”, ông Streible nói.
Trong nước lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 75,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 77 triệu đồng/lượng (bán ra). So với mức giá đóng cửa ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 62,3 triệu đồng/lượng và 63,3 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, không thay đổi so với hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 75,7 triệu đồng/lượng và 76,9 triệu đồng/lượng.
Sáng qua, giá vàng miếng trong nước bất ngờ vượt qua ngưỡng 77 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử, dù giá vàng thế giới ổn định. Giá vàng miếng trong nước gần đây tăng nhanh hơn so với giá quốc tế, khiến chênh lệch với giá quốc tế tăng lên. Trong khi đó, giá vàng nhẫn bám sát hơn giá vàng quốc tế và duy trì khoảng chênh hẹp hơn so với giá thế giới quy đổi.
Giá vàng thế giới chốt tuần này tương đương gần 60,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. Như vậy, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn giá quốc tế quy đổi 16,5-16,6 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn cao hơn giá quốc tế 2,9 triệu đồng/lượng.
Báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 24.030 đồng (mua vào) và 24.400 đồng (bán ra), giảm 100 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Sáu.