Sau nhiều phiên bán ròng, quỹ vàng khổng lồ SPDR Gold Trust bất ngờ mua ròng trở lại với số lượng lớn.
Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 70,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 71,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 70,25 triệu đồng/lượng và 71,05 triệu đồng/lượng.
So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC hiện tăng khoảng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng khoảng 150.000-200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Các sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn 999,9 có giá tăng phổ biến 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 57,93 triệu đồng/lượng và 58,93 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn Phú Quý của Phú Quý có 57,9 triệu đồng/lượng và 58,9 triệu đồng/lượng.
Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng đang ở mức rộng, phổ biến 800.000-900.000 đồng/lượng đối với vàng miếng và 1 triệu đồng/lượng đối với giá vàng nhẫn.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 12 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn đang thấp hơn khoảng 100.000 đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 6,9 USD/oz, tương đương tăng 0,35%, chốt ở mức 1.982,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương 59 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Đây là phiên tăng thứ tư liên tục của giá vàng quốc tế, đưa giá vàng tiến gần hơn tới ngưỡng chủ chốt 2.000 USD/oz, khi thị trường kim loại quý được hậu thuẫn bởi nỗi lo về căng thẳng địa chính trị ở dải Gaza. Trong phiên ngày thứ Sáu, giá vàng có lúc đạt 1.997,6 USD/oz. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine tiếp tục diễn biến căng thẳng, nhiều nhà đầu tư đang mua vàng như một cách để phòng ngừa rủi ro.
“Mọi người đang đổ xô mua vàng vì nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro địa chính trị. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông, giá vàng sẽ dễ dàng vượt mốc 2.000 USD/oz”, chiến lược gia Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định.
Giá vàng thế giới đã tăng 2,9% trong tuần này và tăng gần 160 USD/oz kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ. Trong khi đó, so với cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện chỉ cao hơn 50.000-100.000 đồng/lượng.
Theo chiến lược gia Ole Hansen của Saxo Bank, trên phương diện kỹ thuật, vàng lẽ ra phải điều chỉnh về ngưỡng 1.946 USD/oz rồi, nhưng một sự điều chỉnh như vậy vẫn chưa diễn ra. “Điều này có thể thúc đẩy giá vàng lên cao hơn nữa, thậm chí tìm cách vượt mốc 2.075 USD/oz vốn là mức cao kỷ lục danh nghĩa của giá vàng thiết lập vào năm 2020”, ông Hansen nói.
Phiên ngày thứ Sáu, giá vàng còn được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng USD, khi chỉ số Dollar Index chốt phiên dưới mức 106,2 điểm, từ mức 106,3 điểm của phiên trước.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng bị hãm lại ít nhiều bởi xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mốc 5,001% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày thứ Năm, đánh dấu lần đầu tiên vượt qua mốc này kể từ tháng 7/2007. Trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất quay đầu giảm, chốt phiên trên mức 4,9%.
Lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không có lợi cho giá vàng. Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói lạm phát vẫn còn quá cao - một tín hiệu cho thấy Fed sẽ không sớm hạ lãi suất.
Trong phiên ngày thứ Sáu, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 15 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 863,2 tấn vàng. Trước đó, quỹ đã bán ròng tổng cộng hơn 14 tấn vàng trong phiên ngày thứ Hai và thứ Tư tuần này.
Báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 24.330 đồng (mua vào) và 24.700 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với mức giá của sáng ngày thứ Sáu. Tuần này, giá USD tại Vietcombank tăng 85 đồng ở mỗi đầu giá.