Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 18 USD/oz, tương đương giảm gần 1%, còn 1.840,8 USD/oz. Mức giá này tương đương gần 51,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Nếu so với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 100.000 đồng/lượng.
Trong nước, mức giảm giá phổ biến của vàng miếng sáng nay là 50.000-100.000 đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp.
Tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,65 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,05 triệu đồng/lượng và 54,85 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,85 triệu đồng/lượng và 68,65 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 16,7 triệu đồng/lượng.
Cả tuần, giá vàng thế giới giảm hơn 1% và giá vàng trong nước giảm 900.000 đồng/lượng, tương đương giảm gần 1,3%.
Tuần này, giá vàng đương đầu áp lực giảm lớn do đồng USD tăng giá mạnh và tín hiệu cứng rắn hơn về chính sách tiền tệ từ một loạt ngân hàng trung ương lớn. Tuy nhiên, mối lo xảy ra suy thoái kinh tế và sự bán tháo nhiều tài sản rủi ro vẫn là nhân tố hỗ trợ cho giá vàng - một tài sản an toàn truyền thống.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt tuần ở mức 104,65 điểm, tăng gần 1% so với phiên trước. Cả tuần, chỉ số tăng gần 0,5%. Trong tuần, có lúc chỉ số vượt xa mốc 105 điểm, thiết lập đỉnh cao nhất kể từ năm 2002.
Giá USD ngân hàng Vietcombank chốt tuần này ở mức 23.100 đồng (mua vào) và 23.380 đồng (bán ra), tăng 70 đồng trong tuần này.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm cũng tăng trong phiên ngày thứ Sáu, đặt thêm áp lực giảm giá lên vàng. Đầu tuần này, có lúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 3,48%, cao nhất 11 năm. Chốt phiên ngày thứ Sáu, mức lợi suất là 3,23%.
“Khả năng lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tuần này sẽ cản trở khả năng tăng của giá vàng trong ngắn hạn”, nhà phân tích Han Tan của Exinity phát biểu.
Không chỉ Fed, một số ngân hàng trung ương khác cũng nâng lãi suất trong tuần này, gồm Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Điều này khiến áp lực giảm giá vàng càng thêm lớn.
“Áp lực từ lãi suất tăng đang áp đảo lợi ích đối với giá vàng từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro”, nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China phát biểu.
Một số nhà phân tích giữ quan điểm lạc quan thận trọng về giá vàng.
“Nếu nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ tiếp tục tăng lên do Fed nâng lãi suất để chống lạm phát, nhu cầu nắm giữ vàng của nhà đầu tư sẽ trỗi dậy”, ông Tan nhận xét.
Tại Trung Quốc, nhu cầu vàng vật chất vẫn đang trầm lắng do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế chống Covid. Giá vàng bán lẻ tại Trung Quốc trong tuần này dao động từ thấp hơn 0,5-5 USD/oz cho tới cao hơn 2-5 USD/oz so với giá vàng quốc tế.
Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ tuần này thấp hơn khoảng 6 USD/oz so với giá chính thức (tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%). Tuần trước, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ thấp hơn 10 USD/oz so với giá chính thức.