Giá vàng thế giới tăng đêm qua và sáng nay (8/12) nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nhưng giá vàng miếng trong nước lại giảm so với sáng qua. Giá USD ngân hàng tạm dừng đà tăng mạnh của mấy ngày trước, trong khi giá USD tự do vẫn đi lên.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 60,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện đi ngang ở chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,75 triệu đồng/lượng và 52,45 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng ở mức 60,7 triệu đồng/lượng và 61,4 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 11,2-11,4 triệu đồng/lượng, rút ngắn so với mức chênh 11,65 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.790,4 USD/oz, tăng 5,3 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại New York.
Mức giá này tương đương 50 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 300.000 đồng/lượng.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay chốt ở 1.785,1 USD/oz, tăng 5,6 USD/oz so với đóng cửa phiên trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm cùng giảm từ mức đỉnh của 1 tuần thiết lập vào hôm thứ Ba. Sáng nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch trên mức 1,46%.
Đồng USD cùng giảm giá, với chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh giảm về mức 96,15 điểm, từ mức 96,3 điểm vào sáng qua.
Vàng là tài sản vừa không mang lãi suất, vừa được định giá bằng USD, nên việc lợi suất trái phiếu và đồng USD cùng giảm đã mở đường cho kim loại quý này tăng giá.
Tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong thời gian còn lại của tuần này là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Chỉ số này sẽ là một căn cứ quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lập trường chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào ngày 14-15/12.
Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Standard Chartered nói rằng việc giá vàng giằng co trong vùng biên độ 1.750-1.850 USD/oz là do sự tác động của hai lực lượng đối lập. Một mặt, sự xuất hiện của biến chủng Covid mới có tên Omicron giúp vàng phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn, nhưng mặt khác, quan điểm cứng rắn của Fed lại khiến vàng chịu áp lực mất giá.
“Vàng đang mắc kẹt giữa kỳ vọng Fed sớm nâng lãi suất và nhu cầu vàng vật chất yếu đi, với một bên là nhu cầu phòng ngừa rủi ro do biến chủng Omicron và nguy cơ xuất hiện tình trạng lạm phát cao kết hợp tăng trưởng yếu (stagflation)”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định.
Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp tới của Fed đối với diễn biến giá vàng. “Giá vàng trồi sụt thời gian qua là do sự bấp bênh xung quanh việc Fed đưa ra một lập trường cứng rắn hơn. Thị trường đang không chắc chắn về hướng đi của Fed, dẫn tới mức độ biến động gia tăng. Việc Fed trở nên cứng rắn hơn có thể là một sai lầm chính sách”, ông Millman nói với trang Kitco News.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.530 đồng (mua vào) và 23.580 đồng (bán ra), tăng 30 đồng ở cả hai đầu giá.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.960 đồng và 23.200 đồng, không thay đổi so với hôm qua.