November 25, 2023 | 10:32 GMT+7

Giá vàng thế giới vượt 2.000 USD/oz, trong nước nhảy qua 72 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ -

Vừa mở cửa sáng nay (25/11), giá vàng miếng trong nước đã vượt 72 triệu đồng/lượng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới đóng cửa ở mốc 2.000 USD/oz, hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp, nhờ đồng USD xuống giá và kỳ vọng rằng Fed không tăng lãi suất thêm nữa. Vừa mở cửa sáng nay (25/11), giá vàng miếng trong nước đã vượt 72 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 71,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 72,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 71,1 triệu đồng/lượng và 72,1 triệu đồng/lượng.

So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC mua vào tại các doanh nghiệp lớn hiện tăng phổ biến khoảng 350.000-400.000 đồng/lượng, trong khi giá bán ra tăng 450.000-600.000 đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 60,7 triệu đồng/lượng và 61,7 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.

Phiên ngày thứ Sáu tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 10,6 USD/oz, tương đương tăng 0,53%, chốt ở mức 2.003,7 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương gần 59 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13-13,1 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn cao hơn 2,7 triệu đồng/lượng.

Tuần này, giá vàng miếng SJC bán lẻ tăng 400.000 đồng/lượng và giá vàng nhẫn bán lẻ tăng 1,6 triệu đồng/lượng, so với mức tăng 700.000 đồng/lượng của giá vàng thế giới quy đổi.

Giá vàng thế giới tăng khoảng 1% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Trong phiên ngày thứ Sáu, giá vàng đương đầu với áp lực giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ. Tuy nhiên, đồng USD mất giá và kỳ vọng về một Fed bớt cứng rắn trong chính sách tiền tệ giúp giá vàng vượt qua ngưỡng chủ chốt 2.000 USD/oz và duy trì mốc này cho tới khi đóng cửa.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm cơ bản trong phiên ngày thứ Sáu, đạt 4,476%. Tuần này, có lúc lợi suất của kỳ hạn này giảm dưới 4,4%, từ mức hơn 5% vào đầu tháng.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,5%, đóng cửa ở mức 103,42 điểm - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Cả tuần, chỉ số giảm khoảng 0,5%, nâng tổng mức giảm trong 1 tháng qua lên gần 3%.

Trong nước, báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 24.050 đồng (mua vào) và 24.420 đồng (bán ra), tăng 5 đồng so với mức chốt của tuần trước.

Tuần này, giá vàng thế giới đã tăng hơn 1%. Đơn vị: USD/oz.
Tuần này, giá vàng thế giới đã tăng hơn 1%. Đơn vị: USD/oz.

Chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định đồng USD suy yếu do những số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ dẫn tới kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ bớt cứng rắn. Ông Streible nhấn mạnh điều này sẽ có lợi cho giá vàng trong năm 2024.

Với quan điểm tương tự, một báo cáo của Commerzbank nhận định: “Loạt số liệu kinh tế Mỹ gần đây đều yếu hơn dự báo”. Ngân hàng Đức này cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ giữa năm 2024 và phải đến lúc đó giá vàng mới có thể tăng bền vững trên ngưỡng 2.000 USD/oz.

Thị trường đang đặt cược gần như chắc chắn Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 và khả năng 50% Fed giảm lãi suất ngay từ tháng 5 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

“Chúng tôi không cho rằng giá vàng sẽ tăng mạnh hay giảm mạnh trong ngắn hạn từ nay cho tới đầu năm 2024, nhưng ngày càng chắc chắn là Fed trở nên sẵn sàng hơn cho việc cắt giảm lãi suất, thậm chí có thể giảm trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate