Giá vàng thế giới giảm nhẹ khi khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (9/9), sau khi để mất mốc chủ chốt 2.500 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi. Giới phân tích dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến công bố tuần này có thể quyết định xu hướng giá vàng trong thời gian tới.
Lúc gần 9h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 0,7 USD/oz so với đóng cửa tuần vừa rồi tại thị trường New York, giao dịch ở mức 2.497,5 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 74,6 triệu đồng/lượng.
Vàng đã sụt giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi báo cáo việc làm tháng 8 từ Bộ Lao động Mỹ khiến các nhà giao dịch gia tăng đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 17-18/9. Báo cáo này cho thấy số lượng việc làm phi nông nghiệp mới ít hơn dự báo, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống và tiền lương tăng tốc.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 69% cho mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và khả năng 31% cho mức giảm 0,5 điểm phần trăm.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên mức giảm lãi suất lớn hơn sẽ có lợi hơn cho giá vàng, và ngược lại.
Đồng USD tăng nhẹ trong phiên sáng đầu tuần, tạo thêm áp lực mất giá đối với vàng vì kim loại quý này được định giá bằng đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có thời điểm tăng gần 0,1% so với mức chốt tuần trước, đạt 101,27 điểm.
Giới phân tích cho rằng bản báo cáo việc làm với những tín hiệu trái ngược đang khiến Fed khó quyết định mức giảm lãi suất như thế nào là hợp lý. Nếu Fed chọn mức giảm lãi suất nhỏ hơn, tăng trưởng kinh tế có thể gặp trở ngại, trong khi mức giảm lớn hơn có nguy cơ khiến lạm phát trỗi dậy.
Vì lý do này, giới chuyên gia tin rằng báo cáo CPI tháng 8 của Mỹ sẽ giữ vai trò quan trọng để Fed quyết định giảm lãi suất bao nhiêu trong lần hạ đầu tiên của chu kỳ nới lỏng sắp khởi động. Theo dự kiến, báo cáo CPI sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư tuần này.
Một khi kỳ vọng lãi suất Fed được định hình rõ nét hơn, xu hướng của giá vàng cũng sẽ được xác định.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang thiếu chất xúc tác để quyết định xu hướng tăng hay giảm, dẫn tới tình trạng giằng co quanh ngưỡng 2.500 USD/oz.
Theo dữ liệu được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố vào hôm thứ Bảy vừa rồi, cơ quan này đã dừng mua ròng vàng 4 tháng liên tiếp.
Ở thời điểm cuối tháng 8, dự trữ vàng của Trung Quốc giữ nguyên ở mức 72,8 triệu ounce, không thay đổi so với 1 tháng trước đó. PBOC bắt đầu dừng mua ròng vàng vào tháng 4 năm nay, sau 18 tháng mua ròng liên tiếp. Nhu cầu mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, trong đó có PBOC, giữ vai trò quan trọng trong việc đưa giá vàng liên tiếp lập kỷ lục trong năm nay.
Theo một số nhà phân tích, việc PBOC dừng mua ròng vàng là một dấu hiệu nữa cho thấy giá vàng tăng cao gây suy giảm nhu cầu của các ngân hàng trung ương, sau khi khối này đã mua mạnh vàng trong nửa đầu năm nay. Tuy vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng lực mua ròng của các ngân hàng trung ương sẽ là một nhân tố quan trọng hỗ trợ giá vàng trong năm 2024.
Còn theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ ETF vàng trên toàn cầu đã mua ròng vàng 4 tháng liên tiếp tính đến tháng 8 vừa qua, sau khi bán ròng 11 tháng liên tiếp trước đó. Báo cáo mới của WGC cho biết, các quỹ ETF đã mua ròng số lượng vàng trị giá 2,1 tỷ USD trong tháng 8.
Với lượng mua ròng này, mức thoái vốn khỏi các quỹ ETF vàng từ đầu năm tới nay giảm còn 1 tỷ USD, tương đương 44 tấn vàng.