Số lượng việc làm cần tuyển dụng ở Mỹ ít hơn nhiều so với dự báo dự báo, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu lao động tiếp tục suy yếu. Đây được xem là một bằng chứng nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc, có thể đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất mạnh tay trong lần hạ đầu tiên dự kiến diễn ra vào giữa tháng này.
Báo cáo từ Cục Thống kê lao động Mỹ ngày 4/9 cho thấy số đầu việc cần tuyển trong tháng 7 chỉ đạt 7,67 triệu công việc, giảm từ mức 7,91 triệu công việc của tháng 6, thấp nhất kể từ tháng 1/2021 và thấp hơn nhiều so với con số dự báo 8,1 triệu công việc mà giới phân tích đưa ra trước khi báo cáo được công bố.
Dữ liệu trên là báo cáo đầu tiên trong loạt số liệu quan trọng được công bố trong tuần này về thị trường lao động Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là báo cáo việc làm phi nông nghiệp dự kiến công bố vào ngày 6/9. Với khả năng Fed sẽ tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên sau 2 tuần, giới đầu tư đang quan tâm liệu thị trường lao động suy yếu có đồng nghĩa rằng Fed sẽ chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm hay không.
Tình trạng suy yếu của thị trường việc làm là điều đã được lường trước, nhưng một mối lo ngại đã nổi lên gần đây là thị trường việc làm không chỉ yếu đi, mà thực chất đang rạn nứt vì chiến dịch tăng lãi suất của Fed.
Theo nhà phân tích Oliver Allen của công ty Pantheon Macroeconomics, báo cáo số lượng đầu việc cần tuyển của tháng 7, thường gọi là báo cáo JOLTS, “xác nhận bức tranh thị trường việc làm mà chúng ta đã chứng kiến thời gian gần đây”.
“Thị trường việc làm đã rất thắt chặn trong năm ngoái và đầu năm nay. Bây giờ, thị trường đã trở nên cân bằng hơn”, ông Allen nhận xét.
Vấn đề gây lo ngại bây giờ là liệu thị trường việc làm có tiếp tục suy yếu quá mức cân bằng hay không. “Hướng đi bây giờ là điều đáng lo ngại. Fed không muốn thị trường việc làm xấu thêm, nhưng sự thật là họ đã tăng lãi suất trong thời gian dài và đã giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian, và chính sách tiền tệ chắc chắn là có độ trễ. Bởi vậy, tôi cho rằng thị trường việc làm còn xấu đi thêm nữa”, ông Allen nói.
Số lượng việc làm cần tuyển dụng, một thước đo nhu cầu lao động, đã giảm nhiều so với mức cao kỷ lục thiết lập ở thời điểm nền kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch - khi nhu cầu lao động vượt xa nguồn cung sẵn có. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy có gần 1,1 công việc dành cho mỗi người đang tìm việc làm, mức thấp nhất trong hơn 3 năm. Tỷ lệ đó đạt đỉnh ở mức 2,03 công việc cần tuyển trên mỗi người tìm việc vào tháng 3/2022.
Tình trạng suy yếu của thị trường việc làm là điều đã được lường trước, nhưng một mối lo ngại đã nổi lên gần đây là thị trường việc làm không chỉ yếu đi, mà thực chất đang rạn nứt vì chiến dịch tăng lãi suất của Fed.
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 7 công bố vào đầu tháng 8 cho thấy số lượng công việc mới chỉ đạt 114.000, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,1% lên 4,3%. Ngoài ra, dữ liệu điều chỉnh về thị trường lao động hàng năm cho thấy mức tăng trưởng việc làm trong kỳ 1 năm kết thúc vào tháng 3/2024 thấp hơn nhiều so với ước tính ban đầu.
Ông Allen nhận định: “Báo cáo việc làm tháng 7 rõ ràng đã gây ra một bước ngoặt lớn trong đánh giá về thị trường lao động và triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế”.
Bên cạnh đó, lạm phát ở Mỹ đã giảm gần hơn về mục tiêu 2%, mở rộng đường để Fed tiến tới bắt đầu giảm lãi suất vào ngày 18/9 sau 2 năm rưỡi tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao để chống lạm phát. Trong bối cảnh như vậy, các số liệu về thị trường việc làm Mỹ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư và phân tích, bởi các báo cáo này phản ánh tình trạng của nền kinh tế Mỹ và có thể quyết định Fed giảm lãi suất ở mức nào.
“Thị trường lao động tiếp tục yếu đi và sắp trở lại mức trước đại dịch. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu quỹ đạo này có tiếp tục và và dẫn tới sự sụt giảm, hay thị trường sẽ đi ngang”, chuyên gia kinh tế Robert Frick của Navy Federal Credit Union nhận định. “Điều này không hoàn toàn quyết định việc Fed có giảm sâu lãi suất hay không, nhưng giữ một vai trò quan trọng”.