Giá vàng thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 2, dưới áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn và tỷ giá đồng USD đi lên. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (1/7) cũng giảm, nhưng đang cao hơn giá vàng thế giới gần 18 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 10,4 USD/oz, tương đương giảm gần 0,6%, so với đóng cửa phiên trước, chốt ở 1.808,5 USD/oz.
Xu thế giảm duy trì trong phiên sáng nay tại châu Á. Lúc gần 9h, giá vàng giao ngay giảm thêm 1,9 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.806,7 USD/oz.
Tính cả quý 2, giá vàng đã giảm hơn 6%, đánh dấu quý giảm mạnh nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. Nếu so với thời điểm đầu năm, giá vàng thế giới gần như đi ngang.
Gây áp lực giảm lên giá vàng trong quý 2 là sự tăng giá của đồng USD và lập trường chính sách tiền tệ chuyển từ siêu mềm mỏng sang cứng rắn của các ngân hàng trung ương lớn.
“Vàng gặp khó vì sự cứng rắn của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ thể hiện quyết tâm chống lạm phát, bất chấp những tổn thất mà việc dịch chuyển chính sách này có thể gây ra cho nền kinh tế nói chung”, nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista thuộc ActivTrades phát biểu.
Tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra tại Bồ Đào Nha trong tuần này, các lãnh đạo ngân hàng trung ương tham dự, bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell, đều nhất trí rằng hạ lạm phát trên toàn cầu sẽ là một công việc khó khăn, thậm chí có thể khiến tăng trưởng sụt tốc. Tuy nhiên, họ nói rằng việc này cần được làm nhanh để ngăn chặn lạm phát trở nên bám rễ sâu trong nền kinh tế.
Vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu, thường hưởng lợi trong môi trường lạm phát cao. Vàng cũng là một tài sản an toàn, được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái như hiện nay.
Dù vậy, lãi suất tăng lên khiến vàng kém hấp dẫn vì nhà đầu tư không muốn đổ tiền vào một tài sản không mang lãi suất như kim loại quý này – ông Evangelista nhấn mạnh.
Fed đến nay đã có 3 đợt nâng lãi suất, với mức nâng lần lượt là 0,25; 0,5; và 0,75 điểm phần trăm. Dự kiến, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 - mức nâng mạnh nhất mà ngân hàng trung ương này áp dụng kể từ năm 1994.
Áp lực giảm giá đối với vàng còn đến từ việc tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác lập đỉnh 2 thập kỷ trong quý 2 vừa qua. Theo dữ liệu từ MarketWatch, chỉ số này hiện dao động quanh ngưỡng 104,8 điểm, gần mức 105,5 điểm - mức cao nhất kể từ năm 2002 thiết lập cách đây ít lâu. Trong quý 2, chỉ số tăng gần 6,3%, và trong 6 tháng đầu năm, chỉ số tăng hơn 9,2%.
Khi chiến tranh Nga-Ukraine mới nổ ra, giá vàng đã tăng mạnh do nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, nhu cầu này nhanh chóng suy yếu, và giá vàng hiện đã quay về ngưỡng xuất phát của năm 2022, trên 1.800 USD/oz.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay cũng được điều chỉnh giảm.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,13 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,7 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm tương ứng 170.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,35 triệu đồng/lượng và 54,15 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,15 triệu đồng/lượng và 68,75 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 17,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 17,6 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Giá USD niêm yết tại ngân hàng Vietcombank sáng nay là 23.140 đồng (mua vào) và 23.420 đồng (bán ra), tăng 15 đồng ở cả hai đầu giá. Trong 3 ngày tăng liên tiếp, giá USD tại ngân hàng này đội thêm 30 đồng.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương khoảng 50,9 triệu đồng/lượng.