Theo hãng tin CNBC, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn ở Singapore trong bối cảnh giá lương thực-thực phẩm toàn cầu liên tục leo thang và nhiều quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu lương thực-thực phẩm để bảo toàn nguồn cung của nước mình. Đặc biệt gây quan ngại ở Singapore là lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia - nguồn cung cấp đáp ứng 34% nhu cầu thịt gà của Singapore.
SÁNG KIẾN “30 BY 30”
Là một đảo quốc nhỏ, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore phải nhập khẩu hơn 90% lương thực thực-phẩm từ hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở vào vị thế bấp bênh trước những cú sốc từ bên ngoài, Chính phủ Singapore đã triển khai sáng kiến “30 by 30” với mục tiêu đến năm 2030 tự cung tự cấp được 30 nhu cầu lương thực-thực phẩm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dân Singapore đang cảm nhận rõ ảnh hưởng của sự leo thang giá lương thực-thực phẩm. Trong tháng 4, giá lương thực-thực phẩm ở nước này tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,3% trong tháng 3 – theo dữ liệu được Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) công bố.
Chủ các nhà hàng, quán ăn ở Singapore, cảm nhận rõ hơn cả sự tăng giá này, bởi họ chịu áp lực phải giữ giá trên thực đơn.
Ông Remus Seow, chủ Fukudon, một quán hàng rong bán cơm Nhật, là một ví dụ. Trong 6 tháng qua, giá đầu vào như dầu ăn, trứng, thịt… đã tăng 30-45% - ông cho hay. Gần đây, Seow mới có đợt tăng giá trên thực đơn lần đầu tiên kể từ khi mở quán cách đây 2 năm. Nếu phải tăng giá thêm 20-35%, ông lo có thể mất khách.
MAS dự báo giá lương thực-thực phẩm toàn cầu leo thang sẽ tiếp tục đẩy cao lạm phát ở Singapore qua năm nay.
Giá lương thực-thực phẩm trên thế giới đã bắt đầu tăng trong đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn ở nhiều nơi. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến cho tình hình càng trở nên tệ hơn.
Nhà nghiên cứu cấp cao Dil Rahut thuộc Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) nói rằng tình trạng thiếu lương thực-thực phẩm sẽ tiếp tục trong ngắn hạn, thậm chí có thể kéo dài trong 1-2 năm tới. Ông nói rằng các quốc gia khác không thể nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà Ukraine mà Nga để lại trên thị trường lương thực-thực phẩm, vì phải mất ít nhất 1 năm để tăng sản lượng hoặc trồng thêm nông sản mới.
Với quan điểm tương tự, chuyên gia Paul Teng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cảnh báo rằng ngay cả khi chiến tranh kết thúc, giá lương thực-thực phẩm cũng khó giảm ngay về mức trước khi xảy ra cuộc chiến. Đó là bởi những yếu tố như giá nhiên liệu tăng cao, khan hiếm nhân công, và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến sự khan hiếm lương thực-thực phẩm kéo dài hơn.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo rằng giá lương thực-thực phẩm toàn cầu sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay trước khi dịu đi trong năm 2023.
Ở thời điểm hiện tại, Singapore vẫn đang làm rất tốt trong việc duy trì an ninh lương thực, nhưng tương lai là điều không ai có thể nói trước – ông Teng nhận định. “Singapore đã xem nhẹ tầm quan trọng của nông nghiệp và phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực-thực phẩm. Giờ đây, họ đang đảo ngược quan điểm và đẩy mạnh nông nghiệp, nhưng việc này cần có thời gian mới mang lại kết quả”, ông nói thêm.
Sáng kiến “30 by 30” đặt mục tiêu đưa Singapore đạt tới một nền sản xuất nông nghiệp đủ để vượt qua những giai đoạn khó khăn, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để giúp nước này thay thế hoàn toàn lương thực-thực phẩm nhập khẩu, theo ông Teng. Vị chuyên gia nói rằng đó là vì Chính phủ Singapore đã quyết định đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển tổng sản phẩm trong nước (GDP) và thu nhập bình quân hộ gia đình, thay vì đầu tư mạnh hơn nữa vào các hoạt động nông nghiệp.
“Miễn là chúng có tiền và miễn sao không xảy ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chúng tôi sẽ luôn mua được lương thực-thực phẩm từ đâu đó, vì khối lượng mà chúng tôi cần không phải là lớn lắm”, ông Teng nói.
CHÍNH PHỦ SINGAPORE CẦN LÀM THÊM GÌ?
Dù “về mặt kỹ thuật và công nghệ”, Singapore có thể đạt được mục tiêu đề ra, vẫn có hai vấn đề chưa được giải quyết. Đó là giá cả và quan điểm của người tiêu dùng đối với “thực phẩm mới” – ông Teng nhấn mạnh. Ông nói rằng người tiêu dùng Singapore rất cụ thể về việc mua “thực phẩm tự nhiên” và có thể không chấp nhận những loại “thực phẩm mới” như gà nuôi trong phòng lab hay những nguồn đạm thay thế - một phần quan trọng trong sáng kiến “30 by 30”.
Trong khi đó, ông Rahut cảnh báo rằng việc đạt mục tiêu của sáng kiến sẽ là “rất khó” vì hạn chót đang đến gần, và Singapore hiện mới chỉ tự cung tự cấp được 10% nhu cầu dinh dưỡng của trong nước. Người tiêu dùng Singapore vẫn sẽ mua lương thực-thực phẩm nhập khẩu nếu những mặt hàng đó có rẻ hơn hàng nội trừ phi hàng nội có sự trợ giá của Chính phủ, ông Rahut nói thêm.
Tương tự, ông Seow nói rằng ông sẽ không mua nông sản trong nước sản xuất trừ phi giá của những sản phẩm đó ngang với giá hàng nhập khẩu.
“Nhưng cách duy nhất là Chính phủ phải giữ vững kế hoạch và làm những gì tốt nhất có thể để có được mức giá, chất lượng và đáp ứng được nhu cầu”, ông nói. “Dần dần, mọi người sẽ chấp nhận lương thực-thực phẩm sản xuất trong nước”.
Ông Rahut cũng nói rằng việc quảng bá nông sản nội như những sản phẩm chất lượng và dinh dưỡng cao có thể khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao hơn, tương tự như họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm được dán nhãn “hữu cơ” (organic).
Cả ông Teng và ông Rahut đều cho rằng trước mắt, Chính phủ Singapore có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế vượt qua “bão giá”, chẳng hạn hỗ trợ tiền mặt hoặc phiếu mua hàng. Nhưng ông Teng nói thêm rằng một trong những điểm yếu của Singapore nằm ở việc dù đã cố gắng đa dạng hoá nguồn nhập khẩu lương thực-thực phẩm, nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào một số ít nguồn cung cấp.
Chẳng hạn, 48% nhu cầu thịt gà của Singapore được đáp ứng bằng nhập khẩu từ Brazil và 34% từ Malaysia – theo Cơ quan Lương thực-thực phẩm Singapore (SFA).
Ông Teng lưu ý rằng phần lớn thịt gà mà Singapore nhập khẩu từ Malaysia là dưới dạng gà sống, trong khi gà nhập khẩu từ Brazil và các nguồn khác là thịt gà đông lạnh. Ở cấp độ chính sách, việc quan trọng là Singapore cần đa dạng hoá nguồn nhập khẩu đối với các loại lương thực-thực phẩm khác nhau, chẳng hạn tìm thêm nguồn gà sống để nhập khẩu – vị chuyên gia khuyến nghị.
Ngoài ra, theo ông Teng, Chính phủ Singapore cũng có thể khuyến khích các công ty trong nước sản xuất lương thực-thực phẩm ở nước ngoài và ký kết thoả thuận với các quốc gia khác để đảm bảo rằng những nước đó không hạn chế xuất khẩu lương thực-thực phẩm sang Singapore.
“Giải pháp tổng thể là đảm bảo rằng các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực-thưc phẩm có nhiều hàng, và có nhiều cách mà chúng ta có thể giúp họ để đạt được điều đó”, ông Teng nói.
Ông Rahut cũng nói rằng với tư cách là một quốc gia phát triển về công nghệ, Singapore có thể hỗ trợ các quốc gia khác cải thiện hệ thống sản xuất lương thực-thực phẩm. “Việc đó sẽ không chỉ giúp Singaproe bình ổn giá lương thực-thực phẩm và an ninh lương thực, mà còn ổn định giá cả và an ninh lương thực-thực phẩm toàn cầu”, ông nói.