Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 5/11, các chuyên gia đều đồng tình quan điểm rằng nên có một gói phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Quy mô gói khoảng 5,5% - 8% GDP, tương đương 445.760 – 666.000 tỷ đồng.
Theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh”. Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Tuy nhiên, ông Phước nhấn mạnh: “Việc sử dụng nguồn lực khá quan trọng. Song, câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Làm sao có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ. Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền, không giải quyết được, không thực thi được gói hỗ trợ”.
Để giải vấn đề trên, ông Phước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua trái phiếu Chính phủ trực tiếp và gián tiếp. Chẳng hạn, trên thị trường sơ cấp, nhà điều hành có thể dùng tiền cung ứng hoặc tiền gửi của các ngân hàng, gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc hay tiền gửi thanh toán để mua trái phiếu Chính phủ.
Cách này theo ông Phước, vừa là hành động hỗ trợ ngân sách, vừa nắm công cụ điều hành tiền tệ khi vừa có thể bơm tiền (mua trái phiếu Chính phủ) và hút tiền (bán trái phiếu Chính phủ) cho các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09% một năm với kỳ hạn 10 năm.
Đấy là trên thị trường sơ cấp, còn tại thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ: “Các hoạt động trên thị trường thứ cấp nên để các nhà đầu tư, nhất là Ngân hàng Nhà nước tham gia hoạt động. Việc Kho bạc Nhà nước gần đây triển khai mua lại trái phiếu Chính phủ do tiền ngân sách tạm thời nhàn rỗi, lẽ ra là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước”, ông Phước nói.
Về mặt chính sách, theo nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Quốc hội có thể xem xét đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong 3-5 năm, không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành để lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu 4% như hiện nay. "Lạm phát trong 3-5 năm, dù có năm cao, năm thấp nhưng bình quân dưới mức 4% là được", ông nhận xét.
"Nếu như không có Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước thì đã không đưa ra thị trường thêm 400.000 tỷ đồng".
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Ngoài ra, khi bình luận thêm về dư địa điều hành chính sách tiền tệ, vị chuyên gia khẳng định, với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI < 2%, lạm phát cơ bản < 1%), dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... để đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.
“Vận động các ngân hàng giảm chi phí là tốt nhưng tôi nghĩ đó không phải yếu tố quan trọng để giảm lãi suất. Nhà điều hành phải giảm lãi suất bằng bộ chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ của mình, đâu đó vẫn còn một số chỉ tiêu lãi suất có thể hạ trên quan điểm đảm bảo lãi suất thực dương. Đây mới là điều quan trọng bậc nhất trong giảm lãi suất”, ông Phước cho ý kiến.
Bên cạnh đó, ông Phước kiến nghị một số các chỉ tiêu như: tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023.
Dưới quan điểm nhà điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhìn nhận, với góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, trong hai năm qua, cung ứng tiền Ngân hàng đã thể hiện việc hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Đơn cử như việc Ngân hàng Nhà nước mua thêm gần 25 tỷ USD ngoại tệ trong hai năm qua, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế.
Đối với thanh khoản cho doanh nghiệp, các thông tư mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Về bản chất đây là kéo dài dòng tiền và duy trì thanh khoản cho các doanh nghiệp với điều kiện các ngân hàng phải đánh giá được khả năng trả nợ. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới.
“Hiện tại, đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng đã tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng trong tháng 12/2021”, ông Hà nói.