Có thể thấy, dịch Covid-19 bùng phát lần này có những tình huống mới không giống như mấy đợt trước đây. Một trong những tình huống mới là việc giải cứu nông sản của người nông dân bắt đầu mùa thu hoạch với hàng ngàn tấn sản phẩm rau, củ, quả…
BÀI HỌC TỪ HẢI DƯƠNG
Bài học từ Hải Dương lần này chính là cách vận hành lưu thông hàng hóa, nông sản trong tình trạng bị phong tỏa dãn cách xã hội. Giải bài toán các mặt hàng nông sản của người dân như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch mà không thể bán hay xuất khẩu bình thường ra nước ngoài như thế nào để tổn hại kinh tế ít nhất cho người nông dân.
Thời điểm giãn cách xã hội không thể chậm trễ vì sự lây lan nhanh của Covid-19. Trong khi đó, theo thống kê của tỉnh Hải Dương thì "trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ".
Đây chính là vấn đề nảy sinh mà chúng ta có thể chưa lường hết từ trước để chuẩn bị kịch bản. Bởi thế, rất nhiều tấm lòng tốt đã tự động thể hiện tinh thần "giải cứu" lượng "hàng hóa" này bằng cách, đứng ra mua cho người dân rồi đưa về các tỉnh thành phố và tới các huyện đang bị phong tỏa cấp không thu tiền. Các tỉnh, thành phố cũng lên tiếng đưa ra những giải pháp giúp Hải Dương giải quyết hàng nông sản.
Tuy nhiên, việc giải cứu những hàng nông sản này đang với mục đích không để người nông dân mất mát trắng tay. Cho nên giá bán "giải cứu" tại Hà Nội như: ổi khoảng 5000 đồng/1 kg, giá su hào, bắp cải cũng chỉ khoảng 3000- 4000 đồng/1kg... Giá bán rất rẻ, có nơi chỉ bán được đồng nào hay đồng ấy.
HÀNG HOÁ, NÔNG SẢN AN TOÀN DỊCH BỆNH
Nếu chúng ta hiểu thấu đáo và làm theo tình trạng "bình thường mới" theo ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là tình trạng vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong phòng, chống dịch hiệu quả thì chắc chắn cách tổ chức sẽ chủ động hơn, hiệu quả kinh tế hơn.
Hiện Hải Dương đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về Công tác kiểm dịch phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu tiếp giáp nơi có dịch. Nhưng vẫn còn thiếu hướng dẫn cụ thể đối với hàng hóa là động vật, thực vật, thực phẩm - loại hàng hóa không thể khử khuẩn bằng hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế. Tuy nhiên, trước mắt cần làm tốt truyên thông hai vấn đề cơ bản.
Thứ nhất, về mặt khoa học theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, rủi ro lây lan qua việc giao nhận hàng hoá là rất thấp; hoặc như nước Mỹ cho rằng, không có bằng chứng lây lan Covid-19 qua hàng hóa. Vậy cách thức thu hoạch, đóng gói, chuyển hàng của ta phải như thế nào để đảm bảo an toàn cho người giao, nhận, việc thực hiện 5K chống dịch là rất quan trọng trong chống dịch. Rất cần những thống nhất cụ thể.
Thứ hai, việc tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa và cách thức phối hợp giữa các tổ chức và cá nhân sao cho đồng bộ an toàn đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân cũng như người tiêu thụ sản phẩm. Được biết, ngày 22/2, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối, phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh.
Và điều cần rút ra từ Hải Dương là sự phối hợp ăn ý, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương trong các lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp, Thương nghiệp, Giao thông vận tải cho việc xây dựng những kịch bản để chúng ta vững vàng với tình trạng " bình thường mới".