April 22, 2025 | 10:56 GMT+7

"Giai đoạn này nhà đầu tư nên kiên nhẫn, giảm đòn bẩy, chờ kết quả đàm phán thương mại"

Thu Minh -

Lúc này nên kiên nhẫn chờ đợi kết quả đàm phán thương mại, đây cũng là yếu tố then chốt để đánh giá lại ảnh hưởng thực sự đến các nhóm cổ phiếu chịu tác động trực tiếp và gián tiếp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định về triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán trên Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Lương Duy Phước, Quyền Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Công ty CP Chứng khoán Kafi, cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những rủi ro nhất định do độ mở thương mại rất cao, đặc biệt khi thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu.

NỬA CUỐI NĂM SẼ LÀ GIAI ĐOẠN "SÁT HẠCH" KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CỦA DOANH NGHIỆP 

Nếu mức thuế đối ứng 46% được áp dụng toàn diện, tăng trưởng GDP có thể giảm từ 2–3 điểm phần trăm, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành dệt may, gỗ, thủy sản và linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, Việt Nam đã được tạm hoãn áp thuế 90 ngày, và đang đàm phán để đạt mức thuế mềm hơn dự kiến 10%-15% kèm cam kết giảm thặng dư thương mại, giúp giảm tác động tiêu cực và củng cố kỳ vọng của giới đầu tư.

Trong bối cảnh này, các chính sách trong nước, đặc biệt là đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là lực đẩy chính. Tăng trưởng 7,5%–8% vẫn khả thi, nhưng không thể dựa vào xuất khẩu như trước. Dòng vốn đầu tư sẽ chuyển dịch trọng tâm sang các doanh nghiệp ít phụ thuộc vào Mỹ, có khả năng thích ứng chuỗi cung ứng tốt và được hưởng lợi từ đầu tư công.

"Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái định vị mình trong chuỗi giá trị toàn cầu và giữ vững lòng tin của khối FDI, yếu tố sẽ ảnh hưởng lớn đến định giá thị trường chứng khoán trong trung hạn", ông Lương Duy Phước nhấn mạnh. 

Trong ngắn hạn, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu chưa chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế mới, đặc biệt là trong quý 1 và đầu quý 2. Một số còn ghi nhận tăng trưởng nhờ hoạt động nhập hàng "chạy thuế" từ phía đối tác Mỹ. Tuy nhiên, thách thức lớn sẽ đến trong nửa cuối năm 2025 nếu thuế đối ứng 46% được duy trì, khi đó biên lợi nhuận các ngành dệt may, gỗ, thủy sản, linh kiện điện tử có thể giảm 5%-20%, ảnh hưởng đến đơn hàng, chi phí sản xuất và logistics.

Dòng vốn FDI vốn là động lực quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng sẽ có xu hướng tạm chững lại để theo dõi kết quả đàm phán, gây áp lực lên doanh nghiệp khu công nghiệp và hạ tầng.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có thể đang tăng tốc tái cơ cấu thị trường đầu ra, chuyển hướng sang các thị trường ít rủi ro thuế quan như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và năng lực thích ứng linh hoạt. Do đó, nửa cuối năm 2025 sẽ là giai đoạn "sát hạch" khả năng chống chịu của các doanh nghiệp niêm yết trước cú sốc chính sách từ bên ngoài.

KHÓ NÂNG HẠNG NGAY TRONG NĂM 2025?

Theo ông Lương Duy Phước, thị trường chứng khoán Việt Nam đang biến động mạnh dưới ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ, với mức biến động cao và tâm lý nhà đầu tư bị dẫn dắt bởi các yếu tố bên ngoài. Có sự phân hóa rất rõ trong dòng cổ phiếu: những nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, khu công nghiệp bị ảnh hưởng sụt giảm mạnh; trong khi đó, nhóm phòng thủ và nội địa hóa cao giữ giá tốt hơn cho thấy thị trường đang phản ứng khá nhạy với rủi ro chính sách toàn cầu.

Ông Lương Duy Phước, Quyền Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Công ty CP Chứng khoán Kafi.
Ông Lương Duy Phước, Quyền Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Công ty CP Chứng khoán Kafi.

Tuy nhiên, điểm tích cực là việc hoãn thuế 90 ngày đang tạo ra một “vùng đệm tâm lý”, giúp giới đầu tư quay lại với các yếu tố nền tảng như kết quả kinh doanh quý 1, mùa đại hội cổ đông, và đặc biệt là tiến trình vận hành hệ thống KRX trong tháng 5.

Kafi đánh giá KRX là sự kiện bước ngoặt của thị trường Việt Nam. Việc triển khai hệ thống này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giao dịch thông qua các sản phẩm mới như T+0, bán khống, giao dịch lô lẻ… mà còn là tiền đề nâng hạng lên thị trường mới nổi. Dù khó nâng hạng ngay trong 2025, KRX vẫn mang ý nghĩa chiến lược trong việc thu hút dòng vốn ngoại trung và dài hạn.

Trong bối cảnh thị trường đang dịch chuyển theo rủi ro chính sách và tâm lý thận trọng, điều quan trọng nhất lúc này là tập trung mạnh vào quản trị rủi ro và giữ kỷ luật đầu tư. Nhà đầu tư nên "chậm lại để nhìn xa hơn", đây là lúc để tái đánh giá danh mục, giảm đòn bẩy và ưu tiên các doanh nghiệp có hoạt động nội địa bền vững, ít chịu ảnh hưởng từ thương mại toàn cầu. Đồng thời, lúc này nên kiên nhẫn chờ đợi kết quả đàm phán thương mại, đây cũng là yếu tố then chốt để đánh giá lại ảnh hưởng thực sự đến các nhóm cổ phiếu chịu tác động trực tiếp và gián tiếp.

Đánh giá chi tiết về các ngành nghề, ông Phước cho rằng, trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu leo thang và chính sách thuế quan từ Mỹ mang tính phân loại rõ rệt, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành. Các ngành xuất khẩu lớn vào Mỹ như dệt may, thủy sản, đồ gỗ sẽ chịu tác động trực tiếp nếu thuế có hiệu lực sau giai đoạn hoãn 90 ngày, với biên lợi nhuận suy giảm rõ rệt từ quý III. Khu công nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp do dòng FDI chững lại.

Một số ngành vẫn duy trì được tính phòng thủ trong bối cảnh hiện tại. Ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần như MBB, ACB…với trọng tâm tín dụng vào doanh nghiệp nội địa và hệ sinh thái ổn định, đang hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng cá nhân và xử lý nợ xấu, qua đó tạo nền tảng chống chịu tốt.

Bên cạnh đó, các ngành như hạ tầng và vật liệu xây dựng cũng đáng chú ý, khi đầu tư công có thể trở thành động lực thay thế cho nhu cầu suy yếu từ thị trường quốc tế, đơn cử như HPG, doanh nghiệp đầu ngành tham gia nhiều dự án trọng điểm của quốc gia như dự án đường cao tốc Bắc – Nam…

Kafi dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp này tương đối khả quan trong năm 2025 với mức 15% - 20%.

Ngoài ra, những ngành ít phụ thuộc Mỹ như công nghệ, phần mềm, dịch vụ số mà nổi bật là FPT hay nhóm ngành thực phẩm, đồ uống và dược phẩm cũng sẽ duy trì triển vọng tích cực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có chuỗi giá trị ổn định, thị trường cân bằng và khả năng mở rộng nội địa sẽ là điểm đến an toàn cho dòng tiền đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate