Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã chủ trì cuộc họp với Chủ đề “Giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục”.
Phát biểu cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non, cho biết: hệ thống trường, lớp mầm non tư thục đã phát triển nhanh chóng, điều này đáp ứng yêu cầu phát triển nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu về quản lý. Vì vậy các giải pháp phải nhanh chóng được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trao đổi về những giải pháp liên quan đến hoạt động quản lý, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay: Bộ đã tham mưu ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho trẻ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, quy định.
Đồng thời, yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Ngoài ra, nhiều hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và bàn về giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ đã được tổ chức. Các hoạt động tập huấn, phổ biến tài liệu về hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo hành trẻ tiếp tục được triển khai.
Sự mất an toàn của trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục còn có nguyên nhân đến từ đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non là giải pháp cơ bản để có được một đội ngũ giáo viên mầm non có tay nghề, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần rà soát và quản lý chất lượng đầu vào của các trường.
Giáo viên mầm non cần thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng của các hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giáo dục tình yêu nghề, yêu trẻ. Tạo môi trường làm việc thân thiện, giảm bớt áp lực căng thẳng cho giáo viên.
Ngoài ra còn thường xuyên kiểm tra, rà soát trình độ giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ; chú trọng tạo sự công bằng trong các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn giữa hệ thống các trường mầm non công lập và tư thục.
Tham gia hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho rằng phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục theo phân cấp quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm, lớp độc lập tư thục ít nhất 2 lần/năm học.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đề nghị: nên có chính sách hỗ trợ trẻ học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập như ở loại hình công lập để đảm bảo quyền bình đẳng học tập của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Đồng thời, cần ban hành văn bản mang tính pháp chế giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền phải dành quỹ đất sạch cho giáo dục mầm non; dành nguồn kinh phí nhất định xây dựng các trường mầm non để giảm hiện tượng các nhóm lớp mầm non xuất hiện tự phát không đảm bảo điều kiện hoạt động.