Báo cáo của FiinRatings mới công bố cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, giảm sâu khoảng 64% so với cuối năm 2021.
Trong đó, có 236,8 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỷ đồng qua kênh chào bán ra công chúng, chiếm tỷ trọng khiêm tốn 4%. Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ghi nhận 21 đợt chào bán, sụt giảm mạnh so với con số của năm 2021 là 40 đợt.
XOAY XỞ 1 ĐỒNG KHÓ GẤP 3
FiinRatings đánh giá sự suy giảm mạnh của hoạt động phát hành không chỉ đến từ các quy định mới của Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành ngày 16/9/2022 mà còn đến từ các sự kiện vi phạm nợ và rủi ro pháp lý đối với nhà phát hành.
Trong khi hoạt động phát hành tụt dốc thì làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 tăng 42% so với cùng kỳ 2021, đạt 143,44 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn.
Thực hiện rà soát năng lực tài chính của nhóm top 20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất, FiinRatings cho biết kết quả cho thấy các doanh nghiệp này đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong ngắn hạn 12 tháng tới, do dòng tiền yếu và áp lực nợ trái phiếu và nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra trong khi các kênh huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn. Rủi ro này cũng lớn hơn khi được đặt trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhiều ngành đang có triển vọng kém tích cực trong năm 2023.
Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhìn nhận rằng cùng một thời điểm dồn dập những yếu tố bất ổn từ kinh tế thế giới cùng những khó khăn trong nước như ngân hàng nới room nhỏ giọt, lãi suất tăng, thị trường vốn ách tắc, khiến doanh nghiệp không thể xoay xở nguồn vốn.
Như một bình lưu thông, hàng loạt nhân tố cộng hưởng tiếp tục gây sức ép khiến thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán ngày càng lao đao.
“Những lúc như thế này, doanh nghiệp xoay 1 đồng khó gấp 3 đồng lúc bình thường”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì họp với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra tuần qua, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng nút thắt lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là dòng vốn, thanh khoản ách tắc.
Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc của VnDirect, thừa nhận rằng thực tế hiện nay, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết "room" tín dụng ngay từ giữa quý 2, đầu quý 3. Các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn. Trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý 4 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
“Trong ngắn hạn, điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng nhưng lại không thể cho vay mới bởi các ngân hàng đã cạn room”, ông Long nhấn mạnh.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam