Thanh khoản tại rổ VN30 sáng nay cực thấp, lại xuống dưới ngưỡng 2 ngàn tỷ đồng khớp lệnh, nhưng chỉ số này đảo chiều thành công và đang tăng 0,87%. Trong 10 cổ phiếu đang dẫn điểm số thì 9 mã thuộc nhóm này.
Hiện tượng trồi sụt trên nền thanh khoản kém vẫn tiếp diễn, nhưng thay vì bên bán áp đảo, người mua đã quay lại “phản công” và đẩy giá cổ phiếu phục hồi khá ấn tượng. Nhóm blue-chips có biên độ đảo chiều tích cực, nhưng vẫn còn 12 mã dưới tham chiếu.
VN-Index tạo đáy ngay 30 phút đầu tiên sau khi mở cửa, giảm 0,55%. VN30 cũng tạo đáy cùng thời điểm, giảm 0,5%. Rổ blue-chips này có 14 cổ phiếu điều chỉnh mạnh nhất hơn 1% nhưng các mã giảm sâu nhất thì ảnh hưởng không nhiều. Đáng kể nhất là HPG giảm 2,45% nhưng lại “lệch nhịp” với chỉ số, khi mã này tạo đáy ngay trước thời điểm kết thúc phiên sáng. SSI, PDR là hai mã khác giảm trên 3% lúc tạo đáy cùng chỉ số, nhưng vốn hóa không lớn.
Nhóm blue-chips VN30 cũng là các mã đảo chiều ấn tượng nhất và sớm nhất, kéo cả thị trường đảo chiều theo. VN30 tại đáy chỉ có 2 mã tăng và 24 mã giảm, nhưng kết phiên sáng đã là 17 mã tăng/12 mã giảm. Trong số này 13 mã đang chốt trên tham chiếu hơn 1%.
Cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng khá tốt và chiếm đa số trong nhóm mạnh nhất rổ VN30, tiêu biểu là STB tăng 3,44%, TPB tăng 2,83%, CTG tăng 2,8%, VCB tăng 1,48%, MBB tăng 1,33%, VPB tăng 2,39%, BID tăng 1,2%. Đây là động lực chính giúp VN30-Index có mức tăng vượt trội so với VN-Index.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu lớn cũng có nhiều đại diện xuất sắc: MSN tăng 4,02%, VNM tăng 3,47% và GAS tăng 2,13% đang đẩy VN-Index khoảng 4 điểm trong tổng mức tăng 6,44 điểm ở chỉ số này.
Biên độ đảo chiều của cổ phiếu blue-chips cũng khá mạnh nhưng không đồng đều. MSN, STB đảo chiều rộng nhất, tương ứng 4,72% và 4,52% kể từ đáy đầu phiên. VNM đảo chiều 3,15% và 6 mã khác đảo chiều trên 2%.
Diễn biến phục hồi và vượt tham chiếu thành công của nhóm blue-chips đã kích thích lực mua tăng dần ở phần còn lại. Tại đáy đầu tiên, VN-Index có 96 mã tăng/226 mã giảm. Tại đáy thứ hai của chỉ số lúc hơn 10h, độ rộng đã alf 157 mã tăng/221 mã giảm. Đến cuối phiên HoSE ghi nhận 189 mã tăng/212 mã giảm. Như vậy những cổ phiếu giảm ít hoặc tham chiếu đầu phiên đã bật lên nhanh hơn, trong khi lực cầu ở số còn lại chưa đủ để tạo khác biệt so với tham chiếu.
Thanh khoản yếu vẫn tiếp tục cho thấy cầu chưa hưng phấn. Hiệu ứng giá mới chỉ xuất hiện ở những cổ phiếu có lực bán thực sự thấp. HPG, SSI là hai mã thanh khoản nhất thị trường và giá vẫn đang giảm, nhiều nỗ lực mua đẩy giá lên vẫn chưa thành công do bán còn lớn. Cả hai sàn niêm yết có 11 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng sáng nay thì ngoài HPG và SSI, thêm DIG, PVS, SHS cũng đang giảm giá.
Lực mua đẩy giá đảo chiều thành công và vượt qua được lực bán tương đối mạnh xuất hiện tại DGC, DCM, DPM, bên cạnh các cổ phiếu ngân hàng. DGC tăng 3,91% giao dịch 214,2 tỷ đồng, DCM tăng 3,75%, thanh khoản 139,5 tỷ đồng, DPM tăng 1,27%, thanh khoản 133 tỷ đồng.
Cả Midcap lẫn Smallcap vẫn đang giảm nhưng không đáng kể. Hiện tượng phân hóa ở các nhóm cổ phiếu này vẫn dựa trên lực cung cầu cụ thể của từng mã. Đây là hiện tượng phổ biến trong giai đoạn tích lũy tạo đáy, khi dòng tiền cực kỳ thận trọng giao dịch từng món nhỏ và chọn lọc.
Khối ngoại sáng nay quay lại mua ròng 167,8 tỷ đồng trên HoSE, 23,7 tỷ trên UpCOM và bán ròng nhẹ trên HNX. SSI vẫn đang bị xả lớn với -57,2 tỷ đồng, HPG -18,4 tỷ, GAS -10,4 tỷ, VND -26,33 tỷ. Phía mua áp đảo tại DPM +54,9 tỷ, DCM +54,3 tỷ, STB +53,6 tỷ, DGC +46 tỷ, CTG +19,8 tỷ.