Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm gần như đi ngang trong biên độ 1.200 - 1.300 điểm với nhiều yếu tố tác động đến từ trong và ngoài nước như áp lực tỷ giá, dòng vốn ngoại rút ra kỷ lục chưa từng có...Bước sang năm 2025, thị trường được nhận định tích cực hơn nhờ triển vọng nâng hạng, hệ thống KRX, tỷ giá hạ nhiệt.
"Có thể nửa đầu năm thị trường vẫn nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, VN-Index sẽ đạt cao nhất 1.400 điểm trong năm 2025", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS Research đưa ra dự báo tại hội thảo VPBankS Talk #4: Vững vàng vượt sóng gió diễn ra chiều 16/12.
Trước tiên nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán thế giới năm 2025, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương sẽ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, các thị trường tài sản phục hồi tốt như chứng khoán, vàng, tiền số.
Trong mỗi chu kỳ hạ lãi suất của Fed, nếu không có suy thoái thì S&P 500 thường tăng trưởng.
Chứng khoán Mỹ cũng phản ứng mạnh với diễn biến kinh tế. Trong các kỳ bầu cử Mỹ, sau kỳ bầu cử thì thị trường chứng khoán Mỹ tăng khoảng 9,3% trong 12 tháng sau đó. Do đó, kỳ vọng chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên sau kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua.
Dòng tiền các quỹ ETF đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ cao kỷ lục 10 năm, hút 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng dòng tiền sẽ trở lại khu vực EM (thị trường mới nổi).
Điểm trừ của thị trường chứng khoán Mỹ là PE ở mức cao, nửa đầu 2025 có thể có nhịp điều chỉnh 5-7% song về dài hạn, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi lên vẫn tích cực, nhất về cuối năm 2025.
Ở trong nước, thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn phản ứng, có thể đối mặt bẫy giảm giá và tiếp tục rung lắc ở đầu năm 2025.
Giai đoạn 2005 - 2027, con sóng Việt Nam gia nhập vào WTO - thu hút được 2-3 tỷ USD. Giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước (2016-2018) hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài. Do đó, VPBankS kỳ vọng thị trường đang ở con sóng lớn thứ 3 là 2023 - 2024, kỳ vọng sóng tiếp theo nâng hạng thị trường ở nửa cuối 2025.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và Emerging Market. P/E hiện tại thấp hơn trung vị 10 năm.
Về thanh khoản, năm 2024 bình quân mỗi phiên giá trị giao dịch đạt 21.300 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Tuy vậy, thanh khoản phân bố không đều, giữa và cuối năm bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, áp lực bán ròng. Cuối 2024 - nửa đầu 2025, thanh khoản có thể đi ngang trên nền trung bình và thấp.
Ông Sơn dự báo thanh khoản năm 2025 đạt hơn 23.000 tỷ đồng, có thể cao nhất 26.000 tỷ. Trên nền thanh khoản đó, VN-Index có thời điểm cao nhất đạt trên 1.400 điểm trong khi cả năm dao động quanh 1.350 điểm.
Vùng trũng thị trường sẽ rơi vào tháng 4-5-6, thanh khoản thấp, nhà đầu tư trung hạn xem xét giải ngân để chốt lời cuối năm.
Kịch bản nâng hạng thị trường được VPBankS dự báo diễn ra trong tháng 9, khi đó thanh khoản thị trường sẽ tăng bật lại, khối ngoại mua ròng. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Nhìn lại các quốc gia đã có câu chuyện nâng hạng, dòng vốn vào rất mạnh. Riêng Trung Quốc, nhóm cổ phiếu A Share huy động 200 tỷ USD.
"Năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam có bước ngoặt rất quan trọng, hút được vốn lớn và kích hoạt vốn trong nước. Có thể nửa đầu năm nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, VN-Index cao nhất năm 1.400 điểm. Cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ vào thời điểm nửa đầu năm", Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS Research khuyến nghị.
Nhận định thêm về dòng vốn ngoại, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cho rằng việc nâng hạng thị trường là điều kiện nhưng không phải là tất cả để thu hút dòng vốn ngoại. Nó chỉ là chất xúc tác dựa trên những điều kiện khác như tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định.
Một yếu tố quan trọng khác có giúp thu hút vốn ngoại quay trở lại là nhìn vào chênh lệch lãi suất, nhìn vào chính sách lãi suất của Mỹ có thể giảm mạnh mẽ về 2% như trước đây không? Theo ông Phạm Thế Anh, để lãi suất Mỹ hạ về 2% còn phụ thuộc vào lạm phát, Mỹ có giải quyết được vấn đề thị trường lao động không, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới có ổn định không...
Thêm nữa, chúng ta phải theo dõi thêm chính sách thuế quan, nếu các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán và không có chính sách trả đũa lẫn nhau, thì đến một lúc nào đấy dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam.
"Hiện nay, các thị trường tài sản đang ở mức định giá rất cao, thị trường chứng khoán Mỹ cũng ở nền định giá cao. Thị trường chứng khoán Việt Nam tiềm năng rất lớn do đang ở nền định giá thấp. Đến một lúc nào đấy Mỹ không còn hấp dẫn dòng vốn đổ vào, lãi suất hạ xuống thì dòng vốn vào cổ phiếu lẫn trái phiếu Mỹ đảo chiều thì lúc đó sẽ chảy vào các Emerging Market. Thị trường nào tận dụng được cơ hội sẽ đón dòng vốn mạnh mẽ.
Với chính sách cải cách của Việt Nam thì chúng ta kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn quay trở lại", ông Phạm Thế Anh nói.