Hiện Bộ Lao động thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo tinh thần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra. Trong đó, vấn đề lương hưu sẽ được đề cập đến.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Hiện quy định điều kiện thời gian để người lao động có thể hưởng chế độ hưu trí là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Ngoài ra, còn thêm những điều kiện khá chặt chẽ khác nên nhiều người cho rằng, đó là nguyên nhân không thu hút thêm người tham gia bảo hiểm xã hội, và khiến nhiều người đang tham gia bảo hiểm xã hội cũng muốn rời bỏ hệ thống trước tuổi nghỉ hưu.
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, có quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí.
Tinh thần là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Chính vì vậy, cần phải có thêm những tính toán để sửa đổi quan trọng khác khác như: Hoàn thiện cách tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội; mức lương hưu được nhận, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ; giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước;
Hay kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí.
Cũng như quy định mức lương cộng với những khoản nào của người lao động, của chủ sở hữu lao động để tính đóng bảo hiểm xã hội cho phù hợp. Tất cả những vấn đề đó liên quan đến lương hưu của người lao động sau này.
Chưa kể, sự chênh lệch hiện nay về lương hưu của những người nghỉ hưu trước năm 1993 với những người nghỉ hưu sau đó (dù cùng một vị trí làm việc, một chức vụ) là một thực tế cần nghiên cứu để xử lý.
Nên nhớ, điều kiện thời gian đóng đủ bảo hiểm xã hội 20 năm chỉ mới là điều kiện cần để được hưởng chế độ hưu trí.
Bởi người lao động còn phải thỏa mạn các điều kiện đủ khác như là độ tuổi của nam, nữ; điều kiện, thời gian làm việc trong các môi trường độc hại, ngành nghề, sức khỏe…
Vì thế, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm hướng tới 10 năm để hưởng chế độ hưu trí như một số nước (chỉ 10 năm) cần một tính toán thận trọng, khoa học.
Bởi với thời gian đóng 10 năm rất khó để có mức lương hưu đảm bảo. Mà để có mức lương hợp lý lại cần phải có cơ chế đóng mức bao nhiêu, cách đóng như thế nào. Đây là bài toán khó, dù có theo hướng linh hoạt với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Có lẽ, hướng sửa đổi của Bộ Lao động thương binh và Xã hội chắc chỉ nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội trong điều kiện tuổi nghỉ hưu của nam, nữ đã tăng lên.
Ước tính đến cuối 2020: Có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (nữ từ 55 tuổi trở lên và nam từ 60 tuổi trở lên). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Nếu tính cả 1,8 triệu những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì tổng cộng có khoảng 4,9 triệu người được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng (chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Hiện vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác